Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 11/12/2020 06:02

(HNMCT) - Thường Tín là vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, được biết đến là “đất danh hương, đất trăm nghề”. Với vị trí cửa ngõ của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 20km, Thường Tín có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm gần đây, huyện Thường Tín chú trọng việc định hình thương hiệu và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm khai thác tối đa lợi thế về văn hóa và tự nhiên.

Du khách tham quan đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê).

Vùng đất văn hóa

Thường Tín là một trong những địa phương đứng đầu Thủ đô Hà Nội về số lượng di tích lịch sử, văn hóa với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 120 di tích đã được xếp hạng. Rất nhiều trong số đó là di tích nổi tiếng như chùa Đậu, đền - bến Chương Dương, đền thờ Nguyễn Trãi...

Gắn với hệ thống di tích là các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), Lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), Lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu)... Các lễ hội không chỉ phản ánh tín ngưỡng, văn hóa của “đất danh hương” mà còn phản chiếu đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú của người dân nơi đây.

Bên cạnh đó, Thường Tín cũng sở hữu 129 di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian... Bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: Nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thường Tín đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành Văn hóa huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, rà soát, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, huyện cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiên cứu, phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền như hát trống quân, hát chèo, chầu văn, múa rối cạn...

Không chỉ là “đất danh hương”, Thường Tín còn là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng như lược sừng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, tiện Nhị Khê, chạm đá Nhân Hiền... được du khách trong và ngoài nước biết tới.

Du khách mua sản phẩm lưu niệm tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái).

Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Thường Tín đã xác định thế mạnh và sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện là du lịch văn hóa, tâm linh gắn với du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống. Mặc dù trong năm 2020 dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động văn hóa, du lịch, Thường Tín vẫn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu cho biết, những năm qua, Thường Tín đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch trên trang thông tin điện tử huyện và hệ thống thông tin đại chúng. Song song với đó, huyện cũng đầu tư xây dựng tour du lịch tâm linh kết hợp với làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái, đưa khách tham quan chùa Đậu, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ và lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, đền - bến Chương Dương, đình và lễ hội Bộ Đầu gắn với tham quan các làng nghề truyền thống như tiện gỗ Nhị Khê, thêu tay truyền thống Quất Động, gỗ Vạn Điểm, sơn mài Hạ Thái cùng các khu du lịch sinh thái ven sông Hồng, điểm du lịch sinh thái bãi Tự Nhiên, làng du lịch sinh thái xã Hồng Vân...

Để du lịch Thường Tín phát triển một cách bài bản, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nếu định phát triển du lịch đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác, Thường Tín cần tiến hành số hóa bản đồ điểm tham quan, làng nghề để tạo thuận lợi cho du khách. Bên cạnh đó, huyện cần phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch và nắm vững 3 tiêu chí: Thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách”.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín cho biết, huyện đã và đang xây dựng các đề án như: “Phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề và làng sinh thái huyện Thường Tín giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030”, “Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” (xã Nhị Khê) và “Khu du lịch văn hóa làng nghề Thượng Phúc” (xã Văn Bình). Đây là nền tảng cơ bản để huyện phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa vốn có, đồng thời định hình thương hiệu du lịch Thường Tín trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch