Tạo khác biệt du lịch ngoại thành

Hoàng Lân| 21/08/2020 06:28

(HNM) - Với bề dày văn hóa, di sản và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, 18 huyện, thị xã của Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Những năm gần đây, ngành Du lịch Thủ đô đã từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự khác biệt, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Du lịch ngoại thành đang được xem là thế mạnh của Hà Nội trong việc thu hút du khách khi dịch Covid-19 được khống chế.

Khách tham quan chợ gốm làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Khu vực giàu tiềm năng

Trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô từ nay đến cuối năm 2020, huyện Ba Vì và Mỹ Đức là hai địa phương được thành phố tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, năm 2020, huyện đã có Kế hoạch số 40/KH-UBND về phát triển du lịch Ba Vì, trong đó tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Mô hình này đã đạt được hiệu quả ban đầu từ một số mô hình tiên phong. Trong đó có mô hình trang trại Đồng Quê (xã Vân Hòa, hoạt động từ năm 2008) - được nhiều gia đình, trường học tìm đến để nghỉ dưỡng, trải nghiệm hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ba Vì còn có Vườn quốc gia Ba Vì, nơi du khách có thể tham gia nhiều hoạt động du lịch thú vị: Lễ hội hoa dã quỳ, trải nghiệm du lịch mạo hiểm…

Đánh giá về tiềm năng du lịch ngoại thành Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, xu hướng người nội thành ra ngoại thành để nghỉ dưỡng, trải nghiệm ngày càng cao, nên việc phát triển du lịch gắn với nông thôn đang được quan tâm. Hiện có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo được xây dựng tại các vùng nông thôn, như: Điểm du lịch làng nghề sinh thái Hồng Vân (huyện Thường Tín), Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), công viên giải trí và chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai)…

Ở khu vực ngoại thành, du lịch làng nghề cũng là một thế mạnh cần được quan tâm nhiều hơn. Với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống, Hà Nội đã hình thành nhiều điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), nón làng Chuông (huyện Thanh Oai)...

Bên cạnh đó, ngoại thành Hà Nội còn có hệ thống di sản văn hóa phong phú, những điểm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc, như: Làng cổ Đường Lâm, đền Và (thị xã Sơn Tây); Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh); đền Hạ - đền Trung - đền Thượng (huyện Ba Vì); đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín)...

Nhận định về thế mạnh du lịch vùng ngoại thành Hà Nội, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, với tiềm năng sẵn có, Hà Nội có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng hơn nữa, qua đó tạo ra sự khác biệt so với các địa phương khác.

Phát triển du lịch nông thôn với nhiều trải nghiệm là hướng đi của các địa phương ngoại thành Hà Nội. (ảnh chụp năm 2019).

“Đòn bẩy” phát triển du lịch nội địa

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Du lịch chủ trương tập trung phục vụ khách nội địa, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phần nào sự ổn định thị trường. Chính vì vậy, mở rộng khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành là phần việc quan trọng của ngành Du lịch Thủ đô, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính đặc trưng, tạo thêm sức hút cho du khách.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, vẫn có những nhóm nhỏ gia đình, bạn bè tìm về vùng ngoại thành để nghỉ dưỡng. Ngành Du lịch Hà Nội cần phát huy thế mạnh điểm đến ở ngoại thành để kéo giãn du khách, tránh tập trung đông ở khu vực nội thành. “Song song yêu cầu bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá tiềm năng điểm đến ở khu vực ngoại thành bằng nhiều hình thức để đón khách “tránh dịch”, cũng như sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh dịch vụ khi dịch được kiểm soát”, ông Nguyễn Văn Tài nói.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtous Nguyễn Công Hoan cho rằng, tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt là điều quan trọng nhất. Muốn vậy, các địa phương ở ngoại thành Hà Nội cần tập trung xây dựng những sản phẩm có tính trải nghiệm, tương tác cao. Các điểm đến của ngoại thành cần liên kết chặt chẽ với khu vực nội thành để hình thành tour, tuyến hợp lý, có tính liên thông cao. Sau này, khi dịch Covid-19 được khống chế thì có thể khai thác ngay.

Về giải pháp khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở tiếp tục theo sát việc thực hiện quy hoạch tại các khu du lịch trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cho Khu du lịch quốc gia núi Ba Vì - hồ Suối Hai, làng gốm sứ Bát Tràng; triển khai đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và các sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội...

“Du lịch ngoại thành là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô. Chính vì vậy, các địa phương cần hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sự liên kết chặt chẽ để biến tiềm năng thành “đòn bẩy” thu hút khách du lịch”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo khác biệt du lịch ngoại thành