Huyện Gia Lâm: Khai thác lợi thế, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Linh Tâm| 08/05/2020 14:14

(HNMCT) - Nằm ở phía đông Hà Nội, giao thoa giữa hai vùng văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long, huyện Gia Lâm sở hữu kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú. Đây chính là nguồn lực để huyện phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với xu thế phát triển.

Đền Phù Đổng - một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở huyện Gia Lâm. (Ảnh: Lễ hội đền Phù Đổng năm 2017).

Phong phú nguồn tài nguyên văn hóa

Gia Lâm là vùng đất giao thoa văn hóa, là “cái nôi” của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, gìn giữ suốt nhiều thế kỷ, như Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội đền Nguyên phi Ỷ Lan, hội chùa Nành, hội thôn Chử Xá... Nơi đây cũng hội tụ nhiều làng nghề truyền thống với tri thức dân gian được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác như nghề dát quỳ vàng, bạc ở làng nghề Kiêu Kỵ, nghề sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng và Kim Lan, nghề kinh doanh thuốc nam, thuốc bắc và buôn bán vải ở Ninh Hiệp...

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có 318 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 169 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố, riêng Khu di tích đền Phù Đổng với nhiều điểm di tích thành phần đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều di tích trở thành điểm đến quen thuộc với du khách như đền - chùa Bà Tấm, chùa Đại Bi, chùa Linh Ứng, đình Hiệp Phù...

Cùng với hệ thống di tích dày đặc, Gia Lâm còn sở hữu nhiều cổ vật, di vật quý giá, tiêu biểu là các bảo vật quốc gia như đôi sư tử đá và 2 khám cổ thời Mạc tại di tích đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá), tượng "Quan Âm thiên thủ thiên nhãn" tại chùa Thánh Ân (thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn)... Với hệ thống di sản phong phú như vậy, Gia Lâm là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của Hà Nội về “trữ lượng” tài nguyên văn hóa, lịch sử. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Bảo tồn để phát triển

Gia Lâm thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa nhờ có chiến lược dài hơi, thể hiện qua Đề án Tăng cường công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020.

Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: Đây là đề án có quy mô lớn với tổng kinh phí thực hiện gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, riêng vốn ngân sách dành cho việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là hơn 290 tỷ đồng, vốn xã hội hóa hơn 289 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 7 di tích - gồm Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (xã Phù Đổng), đình Thuận Tốn (xã Đa Tốn), đình Chử Xá (xã Văn Đức)..., với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng; nhiều di tích được tu bổ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như: Nhà thờ tổ nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ, Nhà thờ tổ nghề thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp, đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (xã Ninh Hiệp)... Các di tích này được kết nối, trở thành những điểm đến của huyện.

Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Dựa vào lợi thế, tiềm năng sẵn có, Gia Lâm đã và đang xây dựng sản phẩm đặc trưng, gắn các tuyến, điểm du lịch với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống như: Kết nối làng nghề Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan với điểm trải nghiệm nông nghiệp tại xã Văn Đức; kết nối các làng nghề truyền thống của huyện với điểm du lịch sinh thái Ecopark và làng hoa Xuân Quan (Hưng Yên).

Cùng với đó, huyện cũng tích cực xây dựng đề án phát triển du lịch tại các xã như: Đề án phát triển du lịch xã Phù Đổng gắn với Lễ hội Gióng, Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xây dựng thương hiệu làng hoa Phù Đổng, khôi phục rặng tre ngà ở bãi Soi Bia, tái hiện cảnh Thánh Gióng đánh giặc; Đề án phát triển du lịch xã Dương Xá gắn với Khu di tích đền Bà Tấm; Đề án phát triển du lịch xã Ninh Hiệp gắn với chùa Nành, làng nghề thuốc nam, thuốc bắc, chợ vải... Bên cạnh đó, một số di tích như Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và Di tích quốc gia đền - chùa Bà Tấm đang được lập hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận là Điểm du lịch của Thủ đô.

Nhìn nhận Gia Lâm là “mảnh đất màu mỡ” để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái, Ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho rằng, Gia Lâm có thể đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng thông qua việc tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới. Huyện cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề, điểm du lịch; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và người trông coi di tích để tăng sức hấp dẫn trong việc thuyết minh phục vụ du khách...

Với những đề án, sản phẩm đặc trưng trên, tin rằng du lịch Gia Lâm sẽ “hái quả ngọt” trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Khai thác lợi thế, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng