Trầm tích văn hóa ở làng cổ Phượng Dực

Khúc Hà Linh| 16/04/2020 09:23

(HNMCT) - Căn cứ theo tấm bia cổ nhất ở chùa Long Hưng, làng Phượng Dực (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có từ năm Canh Thân (1620). Bốn trăm năm qua, Phượng Dực vẫn luôn là ngôi làng giàu truyền thống khoa bảng, văn chương và là vùng đất mang nhiều trầm tích văn hóa.

Ngôi làng “độc nhất vô nhị”

Phượng Dực có nghĩa là “cánh phượng”. Dưới triều Nguyễn, vì kỵ húy vua Tự Đức (Nguyễn Dực Tông) nên tên làng được đổi thành Phượng Vũ. Dẫu âm có khác nhưng nghĩa vẫn là “cánh phượng” (vũ là cánh). Còn người dân trong vùng thì quen gọi một cách ngắn gọn: Kẻ Dực hay làng Dực. 

Dân làng Phượng Dực ngày nay vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về nguồn gốc tên làng: “Thuở ấy có một trăm con chim phượng hoàng bay đến kẻ Neo, sà xuống đậu. Nhưng vùng đồng chiêm trũng khi ấy chỉ có 99 gò cho chim đỗ. Con cuối cùng không có chỗ đậu, nó gọi đàn bay đi. Đàn chim bay đến kẻ Dực thì lại đông đủ, ríu rít tụ bầy, múa hót ca vang. Từ đấy làng có tên Phượng Dực”. Câu chuyện nhuốm màu thần thoại nhưng thấm nhuần tư tưởng tụng ca: Làng Phượng là vùng đất thơm, vẫy gọi chim tụ về xây tổ. Người xưa cho rằng, phượng là loài chim quý trong tứ linh: Long, ly, quy, phượng. Chim phượng gắn với điềm tốt lành, ở đâu chim bay tới, ở đó xuất hiện đế vương. 

Làng Phượng có địa thế thuận lợi: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, thuận tiện cho cả giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Theo đường sắt Bắc Nam, ra khỏi Hà Nội gần ba chục cây số, tới phố Tía (Tử Dương) rẽ vào đường 73 (cũ), du khách về tới làng Phượng Dực. Vẻ đẹp của ngôi làng còn được chép trên văn bia ở chùa Long Hưng, do Dương Đình Hiển - người đỗ đầu khoa thi Hương năm 1708 soạn: “Dòng Lục Tú uốn quanh mé trước, núi Tam Thai thôi thúc mé sau. Bên tả đường hoa trải rộng, lối thông xe ngựa dập dìu, bên hữu Tô Lịch uốn dòng, nước đón cá rồng bơi lội...” (Nguyễn Tá Nhí dịch). Dù thời thế thay đổi nhưng làng Phượng Dực vẫn lưu giữ nhiều thiết chế văn hóa mang dấu ấn của đời trước, với đình, chùa, miếu, văn chỉ, lăng đá và chuông, trong đó phải kể tới một quả chuông đồng có “bồ lao chuông” (linh vật được đúc trên quai chuông) là 4 đầu rồng đúc nổi, có niên đại Cảnh Thịnh thứ nhất - Quý Sửu (1793).

Đình làng Phượng tọa lạc giữa khu dân cư, mang vẻ uy nghi, tôn kính. Đình được công nhận Di tích lịch sử văn hóa năm 1993, là nơi thờ Nguyễn Kỳ và Hàn Vỹ - hai vị tướng quân theo Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông. Phía trước đình có nhà bia với hai tấm bia cổ. Một tấm được dựng từ đời vua Lê Thuần Tông, niên hiệu Long Đức (1732 - 1735), một tấm dựng thời Tự Đức (1848 - 1883). Nơi đây còn lưu giữ cuốn sách Hán Nôm Phượng Dực đăng khoa lục có lai lịch khá đặc biệt. Trước đó, ba vị cử nhân: Dương Đình Hiển, Đinh Doãn Cuông, Nguyễn Công Nhạ thay nhau biên soạn Đăng khoa lục, Văn hội bạ của làng, nhưng còn sơ lược. Năm 1743, Đinh Danh Bá cùng một số bạn bè tục biên, tham khảo thêm lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh và bộ Đại Việt sử ký toàn thư để giám định năm sinh, năm thi đỗ của các vị khoa bảng trong làng. Năm 1746, sách hoàn thiện và được đặt tên là Phượng Dực đăng khoa lục. Ở Việt Nam, chỉ có các huyện, tỉnh mới có loại sách này; Phượng Dực tuy chỉ là cấp xã nhưng cũng có, nên được coi là “độc nhất vô nhị”.

Đất khoa bảng, văn chương

Nội điện đình làng Phượng Dực.

Làng Phượng Dực xưa có 12 dòng họ sống trong 24 giáp, thay nhau đỗ đại khoa. Đó là các họ Bùi, Chu, Doãn, Dương, Đinh, Đỗ... nhưng chỉ tập trung vào một vài dòng họ như giáp Đồng Thọ Hữu có 24 người thi đỗ thì họ Đinh chiếm 22 người, giáp Nhất Ngũ có 8 người thi đỗ thì có 7 người họ Bùi. Đặc biệt, giáp Đông An có 7 người thi đỗ đều là họ Nguyễn, hay giáp Đồng Thượng Tả có 15 người đỗ đạt đều là người họ Dương.

Xứng danh là đất khoa bảng, chỉ trong khoảng 300 năm làng Phượng Dực có gần 300 người thi đỗ từ Sinh đồ (Tú tài) trở lên. Nhiều người 9 - 10 tuổi đã đỗ Sinh đồ. Ngược lại, có những vị cao niên vẫn hăm hở lều chõng, đạt khoa danh, để gương cho con cháu. Khoa thi Hương năm Ất Mão (1675), cả ba anh em Đỗ Đăng Đệ cùng đỗ Tam trường; có 4 khoa thi Hương lặp lại kịch bản cả hai cha con cùng thi đỗ Tú tài. Khoa thi năm 1750, cha con ông Đinh Danh Viên và Đinh Ngô Cẩn đều đỗ Tú tài, nhưng tên con được xếp trên tên cha 2 bậc...

Chưa hết, Phượng Dực còn là đất văn chương. Dù nhọc nhằn kiếm sống nhưng người dân vẫn ham mê viết lách. Làng Phượng có một kho truyện dân gian, những câu ca dao, tục ngữ đặc sắc hay những câu đố dí dỏm. Hiếm làng nào như Phượng Dực, nơi sinh ra hàng chục tác giả Hán Nôm như Đỗ Đăng Cử, Ngô Kỳ, Dương Đình Hiển... Theo Phượng Dực đăng khoa lục (NXB Khoa học xã hội - năm 1995), tại thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu giữ một số thác bản văn khắc của các tác giả này.

Ngoài ra, làng Phượng Dực có bốn cha con họ Nguyễn được lưu danh. Đó là người cha, học giả Nguyễn Văn Vĩnh với câu nói nổi tiếng: “Nước ta sau này hay hay dở là ở chữ quốc ngữ”. Hai người con trai ông là Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp đều là thi sĩ, có tên trong tập Thi nhân Việt Nam. Riêng Nguyễn Giang còn là họa sĩ, nhà điêu khắc, dịch giả. Hay như Giáo sư Nguyễn Phùng, người được đặt tên cho một đường phố ở Cộng hòa Pháp... Đó là chưa kể Phạm Duy Tốn - một trong “tứ quý” Bắc Hà và là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Sống chết mặc bay... 

Chừng ấy đủ cho thấy Phượng Dực thực sự là vùng đất khoa bảng, văn chương, là nơi hun đúc nên phẩm giá con người và truyền thống của một làng quê mang trong mình những trầm tích văn hóa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm tích văn hóa ở làng cổ Phượng Dực