Phát triển du lịch làng nghề ở Phú Xuyên: Tăng trải nghiệm văn hóa để hút khách

Trần Anh| 07/11/2019 09:26

(HNMCT) - Nhờ tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch làng nghề với 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, Phú Xuyên đang ngày càng chú trọng đến việc phát triển loại hình du lịch này gắn với trải nghiệm văn hóa nhằm tạo nên các sản phẩm hấp dẫn du khách...

Nghề đan cỏ tế ở làng Phú Túc, Phú Xuyên.

Đặc sắc các làng nghề

Nằm ở cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, Phú Xuyên được biết đến với thương hiệu “đất trăm nghề” khi sở hữu các làng nghề nổi tiếng như: Khảm trai Chuyên Mỹ, tò he Xuân La, guột (đan cỏ tế) Phú Túc hay may Vân Từ... Đây đều là những làng nghề chủ lực của Phú Xuyên trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, bởi mỗi làng nghề đều có những thế mạnh riêng.

Đến với làng khảm trai Chuyên Mỹ, du khách sẽ được thấy những người thợ cần mẫn đục, chạm, khảm những mảnh trai lấp lánh lên những bức tranh, đồ mỹ nghệ hay các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Đó có thể là bộ tranh tứ bình, là chân dung những người nổi tiếng hay phong cảnh làng quê thanh bình... được chạm khắc vô cùng tinh tế trên các sản phẩm. Sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo có mặt ở khắp các địa phương trong nước cũng như nước ngoài suốt bao năm qua. Đó cũng là sự khẳng định của các thế hệ người làng Chuyên Mỹ trong việc gìn giữ nghề truyền thống của cha ông suốt từ thế kỷ XI đến nay.

Với lịch sử hình thành hơn 4 thế kỷ, nghề đan guột ở Phú Túc thu hút hơn 90% hộ dân trong làng tham gia sản xuất và ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường. Nhờ đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của người thợ Phú Túc cây cỏ tế đã biến thành các sản phẩm như rổ, rá, giỏ, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống... Sản phẩm của Phú Túc được ưa chuộng bởi hình thức đẹp, độ bền cao, nên nhận được nhiều đơn hàng từ các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Nga... Nhờ đó đời sống của người dân cũng ngày một khá hơn. Nghề đan guột nhờ vậy cũng phát triển mạnh mẽ, lan sang cả các xã, huyện lân cận.

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với các làng nghề khác với lịch sử hình thành cách đây hơn 1 thế kỷ nhưng làng nghề may Vân Từ bao năm qua vẫn luôn khẳng định thương hiệu “đệ nhất làng nghề” may comple, veston ở khu vực phía Bắc. Những năm đầu thế kỷ trước, nghề may comple chủ yếu chỉ phục vụ giới quan lại Pháp và những người giàu có tại Hà Nội. Sau, do chiến tranh và những điều kiện khách quan khác, nghề may ở Vân Từ dần bị mai một. Đến năm 1979, nhờ có cuộc thi tay nghề may ở Hà Nội, người Vân Từ (khi ấy thuộc tỉnh Hà Tây cũ) lên Thủ đô dự thi và giành giải “Cây kéo vàng”. Từ đó, nghề may comple được những người thợ tâm huyết, có tay nghề cao truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hiện nay, nghề may comple ở Vân Từ ngày càng phát triển với 10/10 thôn ở xã Vân Từ có nghề, trong đó làng Chung có khoảng 90% hộ, làng Từ Thuận có 99% hộ gia đình theo nghề.

Sự phát triển rực rỡ của các làng nghề cho thấy Phú Xuyên thực sự là “đất trăm nghề” hiếm có. Đó cũng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với du lịch nhằm tạo nên những sản phẩm khác biệt.

Văn hóa - yếu tố định hình bản sắc

Chú trọng phát triển du lịch làng nghề là một trong những nội dung chính của Chương trình 05-CTr/HU về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2015 - 2020. Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên cho biết: Phú Xuyên hướng tới mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống; phát huy thế mạnh của làng nghề bảo đảm phát triển một cách bền vững; chú trọng phát triển các sản phẩm thủ công có thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống; phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề; hình thành và kết nối một số tuyến du lịch làng nghề... Để thực hiện được các mục tiêu đó, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là xây dựng bản đồ hiện trạng nghề, làng nghề gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đình, đền, chùa trên địa bàn huyện để quảng bá, giới thiệu và phục vụ việc phát triển du lịch làng nghề.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Lăng, làng khảm trai Chuyên Mỹ chia sẻ: Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống từ lâu đã là mong mỏi của người dân. Người dân tại các làng nghề nhận thức được rằng, việc phát triển du lịch sẽ mang lại lợi nhuận và sinh kế bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn và duy trì nghề truyền thống. Tuy nhiên, lâu nay, việc phát triển du lịch tại đây khá tự phát và thiếu chuyên nghiệp. Các hộ dân chưa có kỹ năng đón khách cũng như tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn viên Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, bên cạnh việc đào tạo kỹ năng đón tiếp khách, mỗi người dân làng nghề phải là một hướng dẫn viên có khả năng thuyết minh về lịch sử làng nghề và sự phát triển của nghề truyền thống. Muốn hấp dẫn du khách, các làng nghề phải đưa vào được càng nhiều câu chuyện, yếu tố văn hóa, lịch sử gắn với các di tích càng tốt. “Chỉ có văn hóa đặc trưng của địa phương mới tạo nên sức hấp dẫn lâu bền và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách”, ông Nguyên nói.

Đại diện Công ty Lữ hành Secret Indochina, ông Alain Guiot nhận xét, Phú Xuyên có một “viên ngọc quý” về kiến trúc và lịch sử - văn hóa, đó là làng Cựu với hơn 40 biệt thự Pháp cổ hiện còn nguyên vẹn. Đây sẽ là “chất xúc tác” mạnh mẽ “hút” du khách đến với làng Cựu và các làng nghề lân cận ở Phú Xuyên nếu có một tour tuyến được thiết kế hoàn chỉnh, khoa học. Gia tăng trải nghiệm văn hóa, gắn làng nghề truyền thống với việc phát triển du lịch là điều mà các làng nghề ở Phú Xuyên có thể triển khai nhằm phục vụ nhu cầu của đa dạng đối tượng khách.

Cũng theo ông Alain Guiot, du khách Pháp đặc biệt thích giao lưu với người dân và tìm hiểu văn hóa địa phương, vì thế, cần chú trọng đến sự giao lưu của du khách với dân làng, cho du khách tham quan làng cổ, trải nghiệm cuộc sống làng nghề, thực hiện một công đoạn trong các khâu sản xuất và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương... Đó là những yếu tố văn hóa không thể thiếu tạo nên sức hấp dẫn cho chương trình tham quan các làng nghề ở Phú Xuyên.

Với tiềm năng dồi dào, phong phú cùng định hướng đúng đắn, chắc chắn du lịch làng nghề ở Phú Xuyên sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch làng nghề ở Phú Xuyên: Tăng trải nghiệm văn hóa để hút khách