Thăm “bảo tàng” về Trạng Bùng

Bài và ảnh: Đỗ Quốc Bảo| 18/10/2019 17:35

(HNMCT) - Tuy chỉ đỗ Hoàng giáp (đệ nhị giáp Tiến sĩ) nhưng vì có tài năng lỗi lạc và công lao to lớn với nước, với dân mà Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) được người đời kính trọng, tôn vinh là Trạng Bùng, gắn với tên gọi quê hương ông. Trải qua thời gian, nhà thờ và lăng mộ ông vẫn được chăm lo bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu và du khách gần xa.

Một di tích quý

Nhà thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội). Nhà thờ được xây dựng sau khi ông mất, đến năm Duy Tân 1 (1907) thì được tu sửa, tôn tạo. Kiến trúc nhà thờ theo kiểu chữ “nhị” (hai ngôi nhà song song), gồm bái đường và hậu từ (đền hậu), cửa chính nhìn hướng Đông. Xung quanh nhà có tường xây bao bọc, giáp hai đầu hồi xây hai cột trụ cao 4m, trên đỉnh đắp hình tượng nghê.

Bái đường trong đền thờ Trạng Bùng.

Từ ngoài đi vào, qua một sân rộng là bái đường. Đây nguyên là nhà ở của một vị quan Hàn lâm Thị thư họ Nguyễn thời nhà Trần (1225 - 1400); là nơi Phùng Khắc Khoan được sinh ra và lớn lên. Năm Tân Hợi (1551), Phùng Khắc Khoan cho sửa sang ngôi nhà này thành học đường và đặt tên là “Hoàng đạo thư đường”. Bái đường có diện tích 50m2, gồm 5 gian để trống nên từ ngoài sân có thể nhìn thấy hậu từ ở phía sau. Ở đầu hồi tường bên trái có ba tấm bia “Học điền bi ký” gắn vào bệ gạch. Đi tiếp qua khoảng sân rất nhỏ vào trong là hậu từ có diện tích 80m2, hai đầu hồi xây bít đốc, tường hậu xây gạch, mặt trước là hàng cửa gỗ bức bàn, thiên về bào trơn đóng bén, không trang trí. Bộ vì đỡ mái nhà có kiến trúc kiểu “tiền kẻ, hậu bẩy”, ở mặt cắt đầu bẩy có khắc chữ “thọ” trên má thân, bào soi vỏ măng. Gian giữa hậu từ xây cuốn vòm, tạo chiều cao để đặt ngai thờ và chân dung Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan do họa sĩ nhà Minh (Trung Quốc) vẽ khi ông đi sứ Yên Kinh. Ở chính gian giữa hậu từ, phía trên cao, có bức đại tự sơn son thếp vàng chạm khắc 5 chữ Hán lớn: “Trung Hưng công thần từ” (Đền thờ vị công thần thời Trung Hưng). Ở đây còn có một cỗ long ngai mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều di vật quý, có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, gồm 11 sắc phong từ thời Cảnh Hưng (1740 - 1786) đến thời Thiệu Trị (1841 - 1847), 3 bức tranh lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan, 2 chiếc gậy cắm sừng hươu là kỷ vật của Trạng Bùng, bia “Nhị nôm khoán bi” dựng năm 1897 chép tục lệ dân hai thôn Phùng Xá và Vĩnh Lộc ra phục dịch các kỳ tiệc ở nhà thờ, một số câu đối, hoành phi nội dung ca ngợi Trạng Bùng, đặc biệt là còn 4 cuốn sách chữ Hán: Cuốn thứ nhất ở phần đầu là Phụ công thi tập, phần sau là Sư hoa thi tập gồm những bài thơ của Phùng Khắc Khoan; cuốn thứ hai là Ký lục tiên tổ sự tích ghi tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ Nôm Đào nguyên hành; cuốn thứ ba chép các điều khoản con cháu Phùng Khắc Khoan được miễn lệ; cuốn thứ tư là Phùng tướng công phụng Bắc sứ lý ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh... Vì thế, nhà thờ được coi là một bảo tàng về danh nhân Phùng Khắc Khoan, danh nhân được “Nam quốc tôn sư” (Nước Nam tôn làm thầy).

Sức hấp dẫn của lịch sử, văn hóa

Về thăm nhà thờ Trạng Bùng, du khách được nghe những câu chuyện truyền kỳ rất hấp dẫn về một danh nhân tài cao, đức trọng; khi ở triều đình là một vị quan công minh, chính trực nhưng khi về quê lại rất gần gũi với dân chúng, hết lòng chăm lo cho sinh kế của dân.

Chân dung Trạng Bùng do họa sĩ Trung Quốc vẽ.

Về sự nghiệp của Trạng Bùng, quan Huấn đạo Thạch Thất Bùi Huy Tuyên ca ngợi qua đôi câu đối cung tiến viết năm Đinh Tỵ (1857), treo ở từ đường: “Bắc Nam huân nghiệp trường lưu sử/ Cương tỉnh phong thanh vĩnh thuyết Phùng” (Công lao to lớn lưu trong lịch sử Bắc Nam/ Tiếng tăm bền vững của Phùng công còn dài mãi). Còn Tri huyện Nguyễn Đình Thành tổng kết trong bài thơ viết khi thăm đền năm Giáp Ngọ (1894): “Trung Hưng dựng nghiệp trời Nam rạng/ Vạn thọ thơ ngâm đất Bắc lay”. Ở đây, có một chi tiết đáng chú ý là trong nhiều trường hợp, thơ Trạng Bùng đã làm rất tốt cả nhiệm vụ ngoại giao chứ không chỉ là ngâm vịnh thù tạc.

Trạng Bùng có nhiều công lao đối với dân làng Bùng và vùng lân cận. Trong hai lần đi sứ ông đã mang được giống ngô, đậu (đỗ) về cho dân trồng, học  được nghề dệt vải lượt rồi truyền dạy cho dân. Ông dạy dân làng Vĩnh Lộc làm cày bừa; chỉ bảo cách khai mương tiêu nước trên đồng ruộng. Ông còn làm thơ phổ biến kiến thức nông học cho dân: Tập thơ Huấn đồng (Dạy trẻ) giới thiệu về cây cỏ, côn trùng, thời tiết; bài thơ Đào nguyên hành viết bằng chữ Nôm, mô tả gần 170 loại cây rau, quả, gia súc, gia cầm, cùng với đó là cách nuôi trồng và ích lợi. Ông còn là tác giả cuốn sách Nông sự tiện lãm (Giúp tìm hiểu nông nghiệp một cách thuận tiện)... Chính vì thế, Phùng Khắc Khoan được dân tôn vinh là Trạng Bùng, là Thành hoàng làng, là tổ nghề dệt vải lượt và làm cày, bừa. Vào ngày giỗ Trạng 24-9 (âm lịch), dân làng dâng lễ vật cúng thành hoàng, trong đó có hai món không thể thiếu là cháo đậu và cà muối mà sinh thời ông rất thích.

Sau khi thăm nhà thờ, du khách ra thăm khu lăng mộ cách đó vài trăm mét. Xung quanh mộ có tường bao bằng đá ong, đầu mộ có bệ thờ đặt hai bia đá dựng năm 1857 và năm 1858, ghi công lao của Trạng Bùng. Tại đây có một sự bài trí rất đặc biệt, đó là những tấm bia đá khắc 9 bài thơ ca ngợi Trạng Bùng của nhiều Tiến sĩ, quan chức viết dịp Tết Mậu Ngọ (1858).

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Khắc Đồng, một trong những điều du khách cần tìm hiểu khi đến thăm cụm di tích là ý nghĩa của việc xây dựng “Hoằng Đạo thư đường”, một hình thức câu lạc bộ văn hóa, một mô hình nhà văn hóa làng cách đây nhiều thế kỷ. Cụm di tích này có sức hấp dẫn rất lớn về lịch sử, văn hóa, cần được các cấp, ngành chức năng quan tâm để quảng bá nhằm thu hút du khách về thăm viếng và tìm hiểu, làm giàu tri thức. Rất nhiều du khách đã bày tỏ mong muốn các tác phẩm của Trạng Bùng tiếp tục được sưu tập, giới thiệu rộng rãi, góp phần vào việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc; cùng với đó, tôn tạo cụm di tích xứng đáng với vị trí, tầm cỡ của Phùng Khắc Khoan trong lịch sử..., tiến tới xây dựng thành một điểm du lịch trong vùng văn hóa du lịch của xứ Đoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm “bảo tàng” về Trạng Bùng