Du lịch làng nghề Canh Hoạch: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Bạch Thanh| 01/08/2019 12:27

(HNMCT) - Với các sản phẩm làng nghề độc đáo cùng nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) có khá nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn của thành phố, tuy nhiên hiện nay việc khai thác, phát triển du lịch tại đây dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, con trai cả của cụ Ba Mi, tác giả của những sản phẩm lồng chim độc đáo ở làng Canh Hoạch.

“Đất nghề, quê trạng”

Làng Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) nằm ven quốc lộ 21B, cách trung tâm quận Hà Đông chưa tới 20km, từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề làm lồng chim. Cố nghệ nhân Nguyễn Văn Tý được coi là ông tổ làng nghề. Sau này, con trai cụ là Nguyễn Văn Nghi (cụ Ba Mi) - người nức tiếng trong vùng với “đôi tay vàng” đã kế nghiệp cha. Ngày nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (con trai cả của cụ Ba Mi) đang tiếp nối nghề truyền thống ông cha truyền lại. Là nghệ nhân duy nhất trong làng, giờ đây ông Nguyễn Văn Nghệ không chỉ làm lồng chim mà còn phát triển thêm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. “Lồng chim Canh Hoạch có đặc trưng riêng ít nơi nào sánh được. Đó là sự bền, đẹp, có sức hút lớn đối với những người có sở thích nuôi chim cảnh” - ông Nghệ tự hào nói về nghề truyền thống của gia đình.

Trải qua bao thăng trầm, dù thuận lợi hay khó khăn nhưng người làng Canh Hoạch vẫn quyết tâm giữ nghề. Theo Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa Nguyễn Huy Sỹ, hiện cả làng có hơn 1.000 hộ làm lồng chim, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Lồng chim của Canh Hoạch được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ vậy, đời sống người dân nơi đây luôn ở mức khá và có nhiều đóng góp xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp...

Không chỉ nổi tiếng với nghề truyền thống, Canh Hoạch còn được coi là vùng địa linh. Theo các bậc cao niên trong làng, từ thời Hùng Vương, đất Canh Hoạch từng lưu dấu chân các vị hoàng tử, danh tướng. Một trong những vị đó sau này được người dân tôn thờ là Thành hoàng làng Canh Hoạch. Đình Canh Hoạch, xưa có tên là đình Đụn, là nơi sinh hoạt chung của cả 5 giáp trong làng. Đình nằm ở thế đất cao giữa làng với lối kiến trúc khỏe khoắn, bay bổng, thể hiện ở độ thấp của bộ cột kèo đỡ mái, kẻ tiền kéo dài ra. Lòng nhà tiền tế to ngang nhưng lại rất thoáng kiểu kiến trúc ống muống. Nhà hậu cung bất ngờ nhô lên một tòa chồng diêm tám mái, các góc đao cong mũi rồng.

“Đất linh sinh nhân tài”, thời nào Canh Hoạch cũng có người đỗ đạt. Điển hình, gần đình làng là nhà thờ Trạng nguyên và cũng là nhà thờ họ Nguyễn, có ba nhà khoa bảng là Bá Ký, Đức Lượng và Khuông Lễ. Trong nhà thờ có đôi câu đối, tạm dịch là: “Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách/ Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc ấm đầy nhà”. Nhà thờ họ Nguyễn, còn gọi là nhà thờ Trạng nguyên ở Canh Hoạch được khởi dựng đời Hậu Lê, đến năm 1821 được triều Nguyễn tu sửa trên nền kiến trúc cũ. Đến nay nhà thờ họ Nguyễn còn giữ được nhiều di vật quý như hai tấm bia đá tạc thế kỷ XVII, cuốn tộc phả, các sắc phong thần, một số câu đối sơn son thếp vàng... và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Ngoài nhà thờ Trạng nguyên, ở Canh Hoạch còn có đình Sắc hay còn gọi là nhà thờ Thường Quốc công Nguyễn Quyện, tọa lạc trên nền nhà cũ của bà Hiền thân mẫu Trạng nguyên - danh sĩ Nguyễn Thiến. Ban đầu đình được dân làng dựng lên để quản giữ những đạo sắc vua phong cho các vị Thành hoàng làng. Về sau, nơi đây thờ danh tướng Nguyễn Quyện và là nơi ghi giữ công tích của gia tộc Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Đình Sắc hiện gồm ba gian chính cùng tả mạc, hữu mạc hai bên. Gian chính giữa đặt long ngai, bài vị của Thường Quốc công Nguyễn Quyện. Gian bên phải để hòm sắc. Gian bên trái đặt bài vị Bà chúa Thuận. Đình Sắc cũng là nơi ghi công tích của gia tộc Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Đôi câu đối ở đình Sắc (tạm dịch) cho thấy rõ điều đó: “Văn đỗ Trạng nguyên, võ làm tới Thường Quốc công, phú quý đầy triều”.

Cần chiến lược phát triển bài bản

Với các sản phẩm làng nghề độc đáo cùng nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, Canh Hoạch giàu tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn của thành phố. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Văn Bổng, tiềm năng du lịch của Thanh Oai nói chung, làng nghề Canh Hoạch nói riêng rất lớn. Từ năm 2016, Huyện ủy đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển. Sở Du lịch Hà Nội cũng đã lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, giới thiệu điểm du lịch trên địa bàn huyện, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu số về những sản phẩm làng nghề... Tuy nhiên, du khách đến Canh Hoạch hiện nay chủ yếu chỉ mua sản phẩm nhỏ lẻ. Việc tham quan, tìm hiểu đời sống làng nghề cùng những giá trị văn hóa, lịch sử tại đây chưa nhiều.

Nguyên nhân một phần do sản phẩm du lịch làng nghề ở Canh Hoạch còn mang tính tự phát, thiếu phong phú, chưa có sự liên kết... Mặt khác, việc thuyết minh để du khách hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc độc đáo của địa phương chủ yếu do các bậc cao niên đảm nhận nên còn thiếu tính chuyên nghiệp... Ngoài ra, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa Nguyễn Huy Sỹ cho rằng, để phục vụ du lịch làng nghề, cơ sở hạ tầng đi kèm như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, các điểm tham quan tại các hộ dân... cần được quan tâm hơn nữa.

Mặc dù tiềm năng phong phú song việc khai thác, phát triển du lịch tại làng nghề Canh Hoạch vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là vấn đề không chỉ của riêng làng nghề mà còn cần sự quan tâm từ các cấp, các ngành. Hy vọng, cùng với tiềm năng, lợi thế cận đô, lại nằm trên trục chính dẫn tới cụm du lịch tâm linh chùa Hương (huyện Mỹ Đức), làng nghề Canh Hoạch cùng làng nghề khác trên địa bàn huyện Thanh Oai sẽ có chiến lược khai thác bài bản nhằm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm..., qua đó dần định hình và tạo vị thế tương xứng của một làng nghề độc đáo ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch làng nghề Canh Hoạch: Tiềm năng còn bỏ ngỏ