Huyện Ba Vì nhân rộng các mô hình thủy sản VietGAP

Ngọc Quỳnh| 21/05/2023 09:07

(HNM) - Thời gian qua, nông dân huyện Ba Vì đã tích cực nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP (hay còn gọi là hữu cơ). Việc này cũng để phát huy, tận dụng được những thế mạnh vốn có về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và bảo đảm sự bền vững với môi trường sinh thái.

Nuôi trồng theo hướng VietGAP chú trọng đến các yếu tố tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen. Quy trình nuôi này áp dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người cũng như môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao.

Với lợi thế đồng trũng, thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, gia đình ông Lê Hữu Lập ở xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) đã tập trung nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, nhưng hiệu quả kinh tế cũng như môi trường sinh thái không bảo đảm, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thiên về những sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng của ngành Nông nghiệp, năm 2019, gia đình đã chuyển 5,5ha sang nuôi trồng theo phương pháp VietGAP.

Để nâng cao giá trị kinh tế cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, ông Cao Xuân Trường ở xã Cẩm Lĩnh cho biết, từ năm 2022 gia đình áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn theo hướng VietGAP trên diện tích 1ha. Nhờ đó, sản phẩm cá của gia đình được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cho giá trị cao hơn 10-20% so với phương pháp nuôi truyền thống.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, toàn huyện Ba Vì có khoảng 1.900ha ao, hồ mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Đồng Thái, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng và các xã ven sông Tích… Từ việc nuôi thủy sản theo hướng VietGAP của người dân trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy môi trường trong sạch, tốc độ sinh trưởng của tôm cá tốt hơn, sản phẩm đầu ra bảo đảm an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc kháng sinh.

Để thúc đẩy việc mở rộng các diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, huyện hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn thông qua hội chợ để quảng bá ký kết hợp đồng đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, để nuôi trồng thủy sản an toàn trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, huyện mong muốn các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Đánh giá về hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP nói chung và thủy sản nói riêng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, khi được chứng nhận VietGAP, thì sản phẩm thủy sản của Ba Vì cũng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng dù giá cả cũng cao hơn so với các sản phẩm thủy sản thông thường nhưng chưa được kiểm nghiệm. Do đó, trong thời gian tới, việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP cần được nhân rộng trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì nhân rộng các mô hình thủy sản VietGAP