Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Thường Tín tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung| 20/05/2023 07:12

(HNM) - Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, huyện Thường Tín đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và các chủ hộ kinh doanh nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nên tỷ lệ xử lý các cơ sở vi phạm trên địa bàn còn thấp.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra chất lượng rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín).

Còn nhiều khó khăn

Theo thống kê của Phòng Y tế huyện Thường Tín, trên địa bàn huyện có 2.218 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Ngoài ra, còn có 2 siêu thị, 21 chợ buôn bán nông sản, thực phẩm đang hoạt động.

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, huyện Thường Tín đã tổ chức lễ phát động, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Theo đó, huyện và xã, thị trấn đã ban hành 60 văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động; treo 90 băng rôn, khẩu hiệu và phát 30.000 tờ rơi nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023. Huyện cũng đã thành lập 1 đoàn liên ngành tuyến huyện và 29 đoàn tuyến xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở thực phẩm.

Để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện, từ giữa tháng 4-2023 đến nay, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành của huyện, các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra đối với 196 cơ sở. Trong đó, có 179 cơ sở bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; còn lại 17 cơ sở có vi phạm, nhưng các cơ quan chức năng của huyện chỉ xử phạt 2 trường hợp, với tổng số tiền 7,5 triệu đồng. Do đó, số cơ sở được kiểm tra và số cơ sở bị xử phạt của huyện Thường Tín còn thấp so với thành phố.

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, hiện nay vấn đề quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm của huyện còn nhiều bất cập, như: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện lớn, trong khi nguồn nhân lực phụ trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm tuyến huyện còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quá trình sản xuất của một số cơ sở xuống cấp, nhưng chưa được đầu tư, do đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh.

“Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn, do chưa có các test xét nghiệm cho tuyến huyện: Hóa chất bảo vệ thực vật, độc tố vi nấm, hàm lượng kim loại... Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn gặp không ít khó khăn. Các hộ kinh doanh cũng chưa quan tâm đến việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm…”, ông Bùi Công Thản cho biết thêm.

Đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, kiểm tra an toàn, vệ sinh thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản kiến nghị, các sở, ngành cần tham mưu với thành phố tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn huyện; đầu tư kinh phí, trang thiết bị, mẫu xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, huyện cũng tăng cường kiểm tra an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, nâng cao ý thức của tiểu thương trong kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Ngoài ra, các sở, ngành cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm cho tuyến huyện và xã để nâng cao trình độ chuyên môn trong phát hiện, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tại buổi kiểm tra về thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi đánh giá, số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được kiểm tra trên địa bàn huyện còn thấp so với tổng số cơ sở đang hoạt động. Điều đáng nói, số cơ sở được kiểm tra ít, nhưng vi phạm trên tổng số cơ sở được kiểm tra lại khá nhiều; đây là vấn đề mà huyện cần quan tâm.

Do đó, thời gian tới, huyện Thường Tín cần quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn, vệ sinh thực phẩm xuyên suốt trong năm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Cùng với đó, huyện cần rà soát, xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; chợ an toàn thực phẩm; kiên quyết xóa bỏ, ngăn chặn việc phát sinh các chợ tạm, chợ cóc không bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các xã, thị trấn cũng tập trung ký cam kết trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Đáng lưu ý, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm cần tuân thủ các quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, giấy xác nhận đã tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe cho người lao động; giấy phép kinh doanh, lưu ý hàng hóa có đầy đủ nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng và phải niêm yết giá cả. Mặt khác, huyện cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng thực phẩm an toàn, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thường Tín tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.