Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mê Linh tập trung khơi dậy sức dân

Đức Duy| 19/05/2023 07:52

(HNM) - Đến nay, huyện Mê Linh đã có 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, đó là Tự Lập và Liên Mạc. Mục tiêu của huyện trong năm 2023 có thêm 3 xã về đích nông thôn mới nâng cao, một xã nông thôn mới kiểu mẫu… Để đạt được kết quả này, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, huyện Mê Linh đã, đang tập trung huy động nguồn lực, khơi dậy sức dân triển khai xây dựng nông thôn mới.

Công trình tranh tường của thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập, huyện Mê Linh) được hoàn thành từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Hoàng Sơn

Xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2013. Từ đó đến nay, chính quyền và nhân dân trong xã không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Thành phố và huyện Mê Linh đã đầu tư cho xã Liên Mạc hơn 182 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, hệ thống điện chiếu sáng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2022, xã đã huy động nhân dân hiến 10.000m2 đất nông nghiệp, 200m2 đất thổ cư cùng hàng tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điển hình là gia đình cụ Phạm Văn Xuyến ở thôn Bồng Mạc (xã Liên Mạc) ủng hộ 300 triệu đồng nâng cấp tuyến đường giao thông trong thôn; 11 thôn trong xã đã huy động nguồn xã hội hóa xây dựng 11 nhà văn hóa làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Thế Phong cho biết, nhờ có nguồn xã hội hóa đã giúp xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, đưa hạ tầng nông thôn Liên Mạc đổi thay từng ngày và trở thành vùng quê đáng sống. Đến nay, 100% trục chính liên thôn trong xã được thảm bê tông hoặc thảm nhựa; 100% đường ngõ xóm có điện chiếu sáng; có 3 trường học đạt chuẩn mức độ một và một trường đạt chuẩn mức độ hai; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Đáng chú ý, đời sống vật chất của người dân ngày một được nâng cao, với thu nhập bình quân hiện đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2023, xã Liên Mạc không còn hộ nghèo…

Tương tự, với phương châm “giữ chuẩn, thêm chuẩn để đạt chuẩn”, trong 2 năm qua, các tầng lớp nhân dân xã Tự Lập đã huy động nguồn lực lớn trong nhân dân để triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tiêu biểu, thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập) đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, cải tạo, nâng cấp đình, chùa, mở rộng các ngõ, xóm. Thôn Yên Bài (xã Tự Lập) vận động nhân dân góp công, góp tiền trồng cây xanh, hoa cây cảnh trên các trục đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp... Từ nguồn lực xã hội hóa cùng sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, xã Tự Lập đã sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ngày 18-4-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2277/QĐ-UBND công nhận xã Tự Lập đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, không chỉ đầu tư cho 2 xã trên, tổng nguồn lực huyện Mê Linh đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới những năm qua là hơn 1.610 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố và huyện đầu tư hơn 1.510 tỷ đồng; huy động nguồn xã hội hóa trong dân gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân trong huyện đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động, hơn 10.000m2 đất nông nghiệp và đất thổ cư để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Chính phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy sức dân là chính” đã giúp địa phương sớm đưa 2 xã trên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng xã Tự Lập, từ địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cuối cùng (năm 2020), đã "lội ngược dòng" trở thành xã nông thôn mới nâng cao sớm nhất huyện Mê Linh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh lần thứ XI, trong năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025, có từ 8 đến 10 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục huy động khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới là cho chính người dân thụ hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất. Ngoài ra, huyện huy động tối đa nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng đồng bộ, hiện đại…, nhằm đạt mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh tập trung khơi dậy sức dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.