Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Thanh Oai đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam

Đỗ Minh| 07/05/2023 15:16

(NSHN) - Ngày 7-5, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai tổ chức “Lễ đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam” đối với 3 cây cổ thụ là cây đa, cây bồ đề tại khuôn viên di tích chùa Bối Khê và cây đa ba rễ. Đây là niềm vinh dự tự hào ghi thêm những dấu mốc mới đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Song Khê, xã Tam Hưng.

Thôn Song Khê, xã Tam Hưng là mảnh đất địa linh nhân kiệt với truyền thống bề dày lịch sử, văn hóa, cách mạng. Trên địa bàn thôn có 5 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia tiêu biểu: Chùa Bối Khê, đình Kim, nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực...

Chùa Bối Khê có từ thời Lý và đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 20-4-1979. Ngày nay, chùa Bối Khê là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của không những người dân địa phương mà còn là nơi tham quan của khách thập phương chiêm ngưỡng các bảo vật...

Cây đa trong chùa Bối Khê được công nhận Cây di sản Việt Nam.

Với ngôi đền Đức Ông trước chùa Bối Khê theo tương truyền cùng thời với chùa Bối Khê. Đền Đức Ông là đền trình của chùa. Cây bồ đề được trồng sau khi ngôi đền được xây dựng, có tuổi đời gần 500 năm. ​Trải qua những thăng trầm cùng thời gian, cây bồ đề biểu tượng của Phật giáo gắn liền với ngôi chùa cổ Bối Khê vẫn hiên ngang vững chãi, tỏa bóng xanh mát trong khuôn viên của di tích.

Cùng với đó, cây đa chùa Bối Khê đã có từ rất lâu, hiện vẫn uy nghi trước cổng ngũ môn của chùa.

Cây bồ đề trong chùa Bối Khê được công nhận Cây di sản Việt Nam.

Cùng với cây đa, cây bồ đề nằm trong khuôn viên di tích chùa Bối Khê nói trên, cây đa ba rễ đầu làng Song Khê có từ lâu đời, tạo nên dấu ấn lịch sử cùng năm tháng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cây đa ba rễ là "địa chỉ đỏ" để du kích và dân làng chống giặc. Dưới gốc cây là hòm thư bí mật, các chỉ thị của cấp trên, cất giữ truyền đơn của Mặt trận Việt Minh. Vì thế các trận đấu chống càn đã làm cho quân giặc bạt vía, kinh hoàng, góp phần tạo nên thành tích lẫy lừng của du kích Tam Hưng với bốn chữ vàng “Tam Hưng Anh Dũng” (1948). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây đa ba rễ là nơi dân quân đặt chòi trực chiến…

Cây đa ba rễ đầu làng thôn Song Khê được công nhận Cây di sản Việt Nam.

“Trong suốt thời gian trường tồn, cây đa, cây đề, cây đa ba rễ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân địa phương. Việc công nhận 3 cây di sản là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc chăm sóc bảo vệ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường”, Trưởng thôn Song Khê Kiều Văn Thùy nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Oai đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.