Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ phong trào phân loại, xử lý rác tại nhà ở Ứng Hòa

Bạch Thanh| 18/04/2023 18:56

(NSHN) - Việc phân loại rác tại nguồn được triển khai hiệu quả ở nhiều gia đình trên địa bàn huyện Ứng Hòa, góp phần giảm lượng rác thải, bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của địa phương...

Tập huấn, hướng dẫn việc xử lý, phân loại rác tại nguồn tại các xã trên địa bàn huyện Ứng Hòa.

Rác thải sinh hoạt phải xử lý giảm 70%

Những ngày này, về xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, không gian làng quê thoáng đãng, sạch đẹp hơn hẳn, không còn cảnh vứt rác ven đường hay rác thải chất thành các bao tải chờ thu gom... Thay vào đó, mỗi gia đình đều có thùng rác để phân loại, giảm 70% rác thải cần thu gom. Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Hòa Phú chia sẻ, trước kia gia đình bà hay để rác chung, lộn xộn, nhưng khoảng gần một năm nay, bắt đầu phân loại rác theo hướng dẫn của cán bộ hội phụ nữ xã, nay đã thành nếp...

Phụ nữ huyện Ứng Hòa tự làm chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ tại nhà.

Còn bà Nguyễn Thị Khỏe, người dân thôn Dư Xá, xã Hòa Xá cho hay: Việc phân loại rác ngay tại chỗ có nhiều cái lợi, vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rau, củ để bón cho cây trong vườn hoặc làm thức ăn chăn nuôi, vừa lọc ra một số loại rác có thể tái chế hoặc bán cho người thu mua phế liệu. "Từ khi xã phát động mô hình phân loại rác, bà con đều đồng tình ủng hộ, tự phân loại các chất thải. Chỉ mất thêm một chút công sức ngay tại nhà nhưng bù lại, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn", bà Khỏe hào hứng nói.

Rác thải hữu cơ được xử lý ngay tại nhà, trở thành nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng.

Từ chỗ làm điểm 1 thôn cuối năm 2022, đến nay mô hình phân loại rác tại nguồn đã được triển khai đến 100% hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phú. Đa số người dân đều đồng thuận trong thực hiện mô hình này.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Trịnh Xuân Thanh cho biết: Đến nay, xã đạt tỷ lệ đăng ký thu gom và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng quy định là trên 90%. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng nguồn rác hữu cơ là một trong những giải pháp giúp giải quyết bài toán khó về tiêu chí môi trường. "Để phát huy hiệu quả của mô hình này, xã giao hội đoàn thể, nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ xã đảm nhiệm, xem đây là nội dung quan trọng trong thực hiện tiêu chí về môi trường của quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu", ông Thanh khẳng định.

Rác thải hữu cơ được xử lý ngay tại nhà, trở thành nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng.

Mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai điểm từ tháng 10 năm 2022 tại 3 xã: Đông Lỗ, Hòa Xá và Hòa Phú với 199 hộ tham gia. Cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, Hội đã cấp phát 398 thùng chứa rác và chế phẩm sinh học; tổ chức tham quan, giao lưu, học tập mô hình điểm về phân loại xử lý và khởi nghiệp từ rác hữu cơ tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn. Các xã thực hiện mô hình điểm cũng đã thành lập tổ giám sát cộng đồng gồm 87 thành viên để theo dõi, kiểm kê, hướng dẫn, tư vấn các hộ gia đình.

Đến nay đã có hơn 2.000 hộ trên địa bàn huyện Ứng Hòa tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn.

Hướng tới một Ứng Hòa xanh, sạch...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình vẫn còn những hạn chế, khó khăn do thói quen và người dân ở một số xã chưa nhận thức hết lợi ích của việc phân loại, xử lý rác. Ngoài ra, chưa có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, mô hình chưa được triển khai rộng khắp và chưa đồng bộ…

Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa Ngô Thị Duệ cho hay: Các cấp hội đã phân rõ người, rõ việc, người phụ trách tuyên truyền vận động, người lập kế hoạch dự toán nguyên vật liệu, người phụ trách kỹ thuật. Khi thực hiện các mô hình điểm đều đưa vào tiêu chí bình xét các danh hiệu, đưa vào quy ước, hương ước của thôn.

Thời gian tới, địa phương đặt mục tiêu mỗi xã sẽ có 1-2 mô hình điểm về xử lý, phân loại rác tại nguồn. Đối với các xã thuần nông ven sông Đáy, mục tiêu là 100% số hộ sẽ tham gia.

Thời gian tới, huyện Ứng Hòa triển khai việc xử lý, phân loại rác tới hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện.

Còn Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa Đỗ Văn Thưởng khẳng định: Hiện nay, mỗi ngày toàn huyện có khoảng 90 tấn rác thải sinh hoạt cần xử lý. Các mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn nếu được triển khai sâu rộng đến 100% số hộ trên địa bàn huyện sẽ góp phần giảm áp lực rất lớn cho công tác thu gom, xử lý rác của địa phương. Theo đó lượng rác thải sinh hoạt cần xử lý sẽ giảm được từ 40-50%, tương đương 30-40 tấn mỗi ngày. Mong muốn của đơn vị là việc xử lý rác tại hộ gia đình chuyên sâu hơn nữa đối với rác vô cơ, nhằm giảm áp lực cho công tác xử lý rác thải của địa phương như hiện nay.

Xã nông thôn mới nâng cao Hòa Phú ngày một xanh, sạch, đẹp.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Chí Viễn, từ những mô hình điểm về xử lý rác tại nguồn, thời gian tới, các xã, thị trấn cần quan tâm huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên; hội viên nòng cốt, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, người dân trong công tác bảo vệ môi trường, để Ứng Hòa ngày một xanh, sạch, đẹp, văn minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ phong trào phân loại, xử lý rác tại nhà ở Ứng Hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.