Hồng Vân - miền quê đáng sống

Nguyễn Mai| 21/03/2023 12:04

(NSHN) - Hồng Vân được biết đến là một trong những xã đi đầu và khá thành công trong phát triển du lịch nông thôn của thành phố Hà Nội. Mới đây, Hồng Vân tiếp tục là xã đầu tiên của huyện Thường Tín được thành phố thẩm định đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Ngoài ra, Hồng Vân còn là xã điển hình của Hà Nội đạt nông thôn mới kiểu mẫu 5/8 lĩnh vực, cao nhất thành phố...

Điểm du lịch hấp dẫn

Khởi đầu từ sản xuất nông nghiệp và nghề trồng hoa, cây cảnh, từ hơn 10 năm trước, Hồng Vân đã định hướng địa phương chuyển sang phát triển du lịch. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, để có thể phát triển được mô hình du lịch nông nghiệp, Hồng Vân đã triển khai sớm chương trình dồn điền đổi thửa. Mỗi hộ sản xuất ở Hồng Vân từ nhiều thửa ruộng dồn lại chỉ còn 1 thửa. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, Hồng Vân định hướng để các hộ sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh, tạo vùng sinh thái.

Làng quê Hồng Vân là một trong những điểm du lịch của thành phố Hà Nội.

Đến nay, Hồng Vân tạo ấn tượng tốt với du khách về vẻ đẹp của ngôi làng xanh mướt rau màu, cây trái, hoa, cây cảnh. Đặc biệt, với riêng khu sản xuất của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, du khách còn được tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, chụp ảnh tại các vườn hoa, cây cảnh với dáng thế độc đáo...

Ngoài ra, Hồng Vân có 21 tuyến đường, đặt tên 21 loài hoa để du khách tham quan, trải nghiệm. Các mùa hoa cũng sẽ trải đều trong năm để lúc nào Hồng Vân cũng ngập sắc hoa và hấp dẫn khách tham quan như: Đường hoa ban, hoa hoàng yến, hoa phượng, hoa giấy, hoa chuông vàng, hoa cau…

“Năm nay, coi như hoa ban được mùa. Ban nở trắng hồng tuyến đường, thu hút hàng chục nghìn lượt người từ khắp nơi đổ về tham quan, chụp ảnh…”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng giới thiệu.

Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý - một điểm đến trong "lịch trình" du lịch của nhiều đoàn khách khi đến Hồng Vân.

Hồng Vân còn là vùng đất của rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Đó là những đình, đền, chùa đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ như: Đền thờ Mẫu Xâm Thị, Lăng đá Quận Vân Đỗ Bá Phẩm, Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý, Chợ mới ông già - một địa chỉ mang dấu tích cha con Thánh Chử Đồng Tử; đình làng Vân La thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa; đình làng Xâm Xuyên được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia... cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi ghé thăm Hồng Vân...

Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Trần Quốc Bảo cho biết, năm 2018, Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch của thành phố. Cuối năm 2022, điểm du lịch Hồng Vân tiếp tục được thành phố đánh giá, phân hạng đạt 4 sao trong Chương trình OCOP. Phát triển du lịch đã góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị du lịch, dịch vụ, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương…

Xây dựng miền quê đáng sống

Năm 2019, Hồng Vân là xã đầu tiên của huyện Thường Tín được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, được UBND thành phố chọn là 1 trong 2 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội. Đến hết năm 2022, mục tiêu này đã được xã hiện thực hóa.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, những năm qua, cả hệ thống chính trị của xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền vận động, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế… nâng cao đời sống người dân.

Người dân Hồng Vân phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh kết hợp đón khách tham quan, trải nghiệm.

Xã Hồng Vân đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Từ năm 2020 đến nay, địa phương đã huy động được hơn 172 tỷ đồng để nâng cao các tiêu chí, nhất là về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong số này, nguồn vốn xã hội hóa và do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp là gần 39 tỷ đồng, bằng khoảng 22% tổng nguồn vốn huy động.

Xã Hồng Vân đã được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao với tổng diện tích hơn 14.500m2 đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xã có trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Tiểu học và Trường Mầm non Hồng Vân đạt chuẩn quốc gia mức độ 2… Thu nhập bình quân trên địa bàn được cải thiện qua từng năm, hiện đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 5 hộ nghèo.

Kết quả đánh giá của Đoàn thẩm định thành phố, xã Hồng Vân đủ điều kiện đạt nông thôn mới kiểu mẫu 5/8 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số; 3 lĩnh vực còn lại: Sản xuất, môi trường và an ninh trật tự, Đoàn thẩm định yêu cầu xã tiếp tục phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn trong các đợt tiếp theo. Đây là kết quả đạt rất cao so với các xã khác cùng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Với diện mạo nông thôn ngày một sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời, là điểm du lịch hấp dẫn du khách của thành phố, Hồng Vân luôn là một miền quê đáng sống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồng Vân - miền quê đáng sống