Ba Vì tập trung xử lý ô nhiễm môi trường

Kim Nhuệ| 20/03/2023 07:39

(HNM) - Nhờ phát triển chăn nuôi hiệu quả, thu nhập của người dân huyện Ba Vì ngày càng nâng cao. Song, chất lượng môi trường ở đây có dấu hiệu suy giảm. Để khắc phục tình trạng này, Ba Vì đã và đang tập trung triển khai giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Hội nghị tọa đàm về công tác xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm sau thu hoạch nông sản trên địa bàn huyện Ba Vì, tháng 3-2023.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện và đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp huyện. Trên địa bàn huyện hiện có 37.200 con bò, 4.310 con trâu, 250.000 con lợn, hơn 6 triệu gia cầm... Quy mô chăn nuôi phổ biến là hộ gia đình, tập trung chủ yếu trong khu dân cư. “Nhờ phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi, thu nhập của nông dân Ba Vì ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh”, ông Hứa Bá Trình khẳng định.

Ở góc nhìn khác, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho rằng, phát triển chăn nuôi đang làm chất lượng môi trường ở đây có xu hướng suy giảm, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, mà có nguy cơ mất lợi thế phát triển du lịch sinh thái của địa phương.

Với tổng đàn nêu trên, hoạt động chăn nuôi của Ba Vì mỗi năm thải ra môi trường khoảng 200 tấn phân gia súc, gia cầm. Mặc dù các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng hiện Ba Vì vẫn còn khoảng 30% khối lượng phân gia súc, gia cầm không được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống cống rãnh tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, mỗi năm, hoạt động trồng trọt của Ba Vì còn thải ra môi trường khoảng 140.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp là rơm rạ, thân cây lạc, đậu, ngô, vỏ chấu, lõi ngô... Trong số đó, 65% khối lượng phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng, xử lý đúng kỹ thuật, thải trực tiếp hoặc đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy cống rãnh, kênh mương.

Tại các xã trọng điểm chăn nuôi của huyện Ba Vì, như: Minh Châu, Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Chu Minh..., phần lớn hộ chăn nuôi quy mô lớn đã xây hầm biogas, song vẫn không đủ công suất xử lý chất thải. Đặc biệt, đa số hộ chăn nuôi chưa áp dụng quy trình sử dụng nước tiết kiệm trong tắm cho đàn nuôi, rửa chuồng nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trường (ở xã Vân Hòa) cho hay, gia đình ông nuôi 95 con lợn, đã áp dụng nhiều biện pháp, như: Trộn men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, dùng đệm lót, làm hầm biogas, rửa chuồng thường xuyên... Tuy nhiên, giá thịt lợn không tăng, người chăn nuôi không có lãi nên chưa đầu tư được cho việc xử lý chất thải.

Tương tự, nhiều hộ cũng cho rằng, khó khăn nhất trong xử lý chất thải chăn nuôi là quy mô chuồng nuôi nhỏ, không có sân chơi cho vật nuôi, dẫn tới khó sử dụng các mô hình xử lý chất thải. Cùng với đó, lượng phân thải lớn, không có chỗ chứa, khó vận chuyển. Một số hộ đã sử dụng đệm lót sinh học, nhưng chưa giải quyết được các vấn đề phát sinh: Tăng công lao động để đảo đệm lót; nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi tăng, vật nuôi dễ bị giun sán và phụ phẩm sau xử lý chất thải không bán được để bù vào chi phí cho việc đầu tư mô hình xử lý chất thải...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông sản sau thu hoạch đến năm 2025. Theo đó, từ năm 2023 đến 2025, huyện Ba Vì tổ chức 50 lớp tập huấn tuyên truyền cho nông hộ về quy trình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông sản sau thu hoạch; xây dựng và triển khai mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bò, lợn tại 30 xã, thị trấn bằng phương pháp đệm lót sinh học và men vi sinh.

Tại buổi tọa đàm về công tác xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm sau thu hoạch nông sản do huyện Ba Vì tổ chức gần đây, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, Công ty cổ phần T&T 159 đã thống nhất hỗ trợ nông dân Ba Vì phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; trong đó, sẽ hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông sản hữu cơ trên địa bàn huyện.

Thực tiễn cho thấy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, chính người dân Ba Vì cần thay đổi tư duy theo hướng sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì tập trung xử lý ô nhiễm môi trường