Sóc Sơn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Tân Yên

Hoàng Sơn| 17/03/2023 17:17

(NSHN) - Ngày 17-3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Tân Yên - chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (ngày 17/3/1933 - 17/3/2023), nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Tân Yên tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn.

Trong diễn văn kỷ niệm, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ Nguyễn Thị Trà Liên cho biết, vinh dự và tự hào, xã Hồng Kỳ là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nhân dân sớm đi theo Đảng.

Đầu năm 1933, đồng chí Nguyễn Tạo - cán bộ Ban Tài chính quản trị Trung ương và đồng chí Lê Đình Tuyển, Ủy viên Thành ủy Hà Nội - là những đảng viên đầu tiên lên đồn điền của gia đình ông Đỗ Đình Thông ở ấp Tân Yên (xã Hồng Kỳ) để làm ăn sinh sống và hoạt động cách mạng. Tại đây, các cán bộ của Đảng có dịp thâm nhập quần chúng, giác ngộ cách mạng và từng bước đưa một số quần chúng vào tổ chức.

Để mở rộng phong trào đấu tranh cách mạng, ngày 17-3-1933, tại Lò Bát của Đỗ Đình Thông, các cán bộ của Đảng đã tổ chức hội nghị thành lập chi bộ Tân Yên - chi bộ đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn chúc mừng 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Tân Yên.

Lúc đầu, chi bộ có 6 đảng viên là các đồng chí: Đặng Viết Ốc (ấp Tân Yên); Nguyễn Đăng Đào (ấp Đồng Thố); Đặng Viết Thửa, Đặng Viết Tèo (người Sơn Tây đến làm ăn, sinh sống tại ấp Tân Yên); Nguyễn Văn Thư và đồng chí Nguyễn Tạo. Sau đó, đồng chí Lê Đình Tuyển tham gia sinh hoạt tại chi bộ này. Chi bộ đưa ra nghị quyết: Đối với phong trào nông dân phải giáo dục tinh thần đoàn kết giữa nông dân Tân Yên, Đồng Thố với các xã lân cận để đấu tranh buộc bọn địa chủ giảm thuế trâu, thuế ruộng ngay từ vụ mùa năm 1933 nhằm mang lại quyền lợi cho quần chúng. Đi đôi với lãnh đạo nông dân đấu tranh, chi bộ còn phân công các đảng viên sang vùng Tam Lộng (huyện Đa Phúc) để tuyên truyền gây cơ sở cách mạng mới để phòng khi bị địch khủng bố.

Chi bộ Tân Yên ra đời không chỉ khẳng định sự trưởng thành, sự chuyển biến về chất của phong trào cách mạng địa phương mà quan trọng hơn là tạo động lực cổ vũ, động viên, giác ngộ quần chúng nhân dân trong huyện theo Đảng, làm cách mạng giành lấy độc lập, tự do.

Hoảng sợ trước phong trào cách mạng đang lên, cuối tháng 9-1933, mật thám Pháp đưa binh lính về ấp Tân Yên và các ấp khác để khám xét, đánh đập nông dân, tá điền, bắt giam quần chúng cách mạng và đảng viên. Trước sự truy lùng gắt gao của mật thám, phong trào cách mạng tại Tân Yên tạm dừng hoạt động; một số đảng viên phải lánh đi nơi khác.

Trong suốt chặng đường lịch sử 90 năm, từ 1 chi bộ có 6 đảng viên, đến nay, Đảng bộ xã Hồng Kỳ đã phát triển lớn mạnh. Truyền thống tiếp nối truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Kỳ càng ý thức sâu sắc hơn là phải không ngừng phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp, xứng đáng với tầm vóc xã Anh hùng của huyện Sóc Sơn Anh hùng, tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2023-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Tân Yên