Phát triển kinh tế du lịch bền vững

28/01/2023 06:57

(HNM) - Năm 2022, quận Tây Hồ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp xuân mới Quý Mão 2023, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định, trong năm 2023, quận sẽ tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho kinh tế du lịch theo hướng bền vững.

Quận Tây Hồ tập trung xây dựng, phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Quang

- Đồng chí có thể đánh giá tóm tắt những thành tựu nổi bật mà quận Tây Hồ đạt được trong năm 2022?

- Năm 2022, quận Tây Hồ triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, cơ hội và thách thức đan xen. Tuy nhiên, quận đã hoàn thành 21/21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 7/21 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Đáng chú ý, thu ngân sách đạt 168% kế hoạch năm. Đặc biệt, quận là một trong 5 đơn vị chi đầu tư xây dựng đạt 97% kế hoạch và bằng 197% kế hoạch thành phố Hà Nội giao…

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện. Một số việc mới, việc khó bước đầu đạt kết quả tốt…

Về công tác xây dựng Đảng, quận đã thành lập được 3 chi bộ doanh nghiệp ngoài nhà nước, đạt 150% kế hoạch được giao; thành lập được 13/13 tổ chức công đoàn với 951/885 đoàn viên; thành lập mới 2 chi đoàn với 253 đoàn viên. Toàn Đảng bộ kết nạp được 98 đảng viên, đạt 108% kế hoạch giao.

Chất lượng giáo dục và đào tạo của quận tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 đứng thứ 9/30 quận, huyện, thị xã; tỷ lệ học sinh giỏi đoạt giải thành phố tăng 22,4%; số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 96,3%.

Công tác cải cách hành chính đạt kết quả tốt: Đứng thứ 5/30 về Chỉ số cải cách hành chính, đứng thứ 3/30 quận, huyện, thị xã về Chỉ số hài lòng của người dân.

- Những kết quả như vậy có phải là nhờ vào sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo quận, thưa đồng chí?

- Mặc dù có những khó khăn khách quan, chủ quan tác động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, song với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập thể Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã có nhiều đổi mới, chủ động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; sự giám sát chặt chẽ của HĐND quận, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Tôi cho rằng, nếu có giải pháp cụ thể, thống nhất được chủ trương, huy động được sự đồng tâm nhất trí, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mọi nhiệm vụ, mục tiêu dù khó khăn đến đâu cũng sẽ hoàn thành và có thể hoàn thành tốt.

- Hồ Tây được ví như “viên ngọc”, lá phổi xanh của thành phố Hà Nội. Quận đã và đang triển khai các biện pháp thiết thực như thế nào để bảo vệ hồ Tây, thưa đồng chí?

- Quận đã hoàn thành dự thảo quy chế hoạt động quản lý hồ Tây, xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ Tây. Song song với đó, quận đang xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại” và đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế du lịch Tây Hồ bền vững”. Hiện tại, UBND quận đã hoàn thành kế hoạch tổ chức di dời tất cả các phương tiện thủy ra khỏi hồ Tây.

Quận cũng bảo tồn, phát huy giá trị của 71 di tích lịch sử trên địa bàn, hướng tới đầu tư phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ du lịch - văn hóa. Đồng thời, chủ động triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, khu dân cư mới, cũng như quản lý phát triển các phường ngoài đê sông Hồng theo quy hoạch, tạo cho Tây Hồ một diện mạo mới, vừa cổ kính, trầm mặc vừa văn minh, hiện đại nhưng có bản sắc riêng.

- Năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, vậy quận sẽ làm gì để tạo bước phát triển đột phá?

- Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Tây Hồ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ quận đến cơ sở sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII gắn với thực hiện đồng bộ 6 chương trình công tác của Quận ủy.

Quận sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những tồn tại của năm 2022, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành 21 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý đạt hơn 14%; thu ngân sách đạt hơn 2.000 tỷ đồng; tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa, sức khỏe” đạt 94%, “Tổ dân phố văn hóa, sức khỏe” đạt 87%; duy trì 100% phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế…

Đặc biệt, quận tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn; huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác quản lý hồ Tây ngay sau khi được thành phố giao. Qua đó từng bước xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế du lịch bền vững