Phát huy hiệu quả chuỗi rau an toàn Đông Cao

Ngọc Quỳnh| 17/11/2022 07:16

(HNM) - Thời gian qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, không để xảy ra tình trạng “được mùa - mất giá”, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Đàm Văn Đua, hợp tác xã có tổng diện tích canh tác rau 200ha, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm; riêng vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm. Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả khá gian nan bởi lượng cung ứng cho 2 đơn vị bao tiêu (Vifoco tại tỉnh Bắc Giang và VinEco tại Hà Nội) do hợp tác xã ký kết với số lượng không nhiều. Phần lớn sản phẩm do thương lái thu mua rồi đưa đến các chợ đầu mối hoặc thành viên tự tìm nơi tiêu thụ, thu nhập không ổn định…

“Từ cuối năm 2017, hợp tác xã được Hội Nông dân huyện và Phòng Kinh tế huyện Mê Linh hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ... trên vùng diện tích đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, đầu ra cho sản phẩm dần tăng, thu nhập của xã viên cũng tăng theo”, ông Đàm Văn Đua cho biết thêm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi, thông qua chuỗi sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm rau, củ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao không chỉ cung ứng lượng lớn cho thị trường Hà Nội và một số hệ thống siêu thị lớn, mà còn vươn tới nhiều tỉnh, thành phố khác với mức ổn định 30-40 tấn/tháng, giá bán cũng cao hơn so với trước đây 10-20%.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển chuỗi của hợp tác xã còn khó khăn do quy mô triển khai nhỏ nên chưa tạo được chuỗi giá trị bền vững; mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất - tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo; sản phẩm tiêu thụ theo chuỗi chưa được nhiều. Để đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi liên kết giá trị, theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua, các ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cho nông dân... Cùng với đó, các sở, ngành tham mưu thành phố sớm triển khai một số chính sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để các hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thuế…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, để tháo gỡ khó khăn và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, huyện tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã… Ngoài ra, huyện tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả chuỗi rau an toàn Đông Cao