Hợp tác xã Khánh Phong hoạt động hiệu quả

Đức Duy| 30/09/2022 07:05

(HNM) - Những năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong, xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) đã phát triển được hàng chục héc ta cây ăn quả theo quy trình hữu cơ, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, Hợp tác xã đang xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình tuần hoàn, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi sinh học, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (Hợp tác xã Khánh Phong) thành lập từ năm 2017 với 7 thành viên tham gia liên kết canh tác cây ăn quả (ổi, đu đủ Đài Loan, táo Nhật Bản, bưởi Diễn…) trên tổng diện tích hơn 10ha.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm, từ khi đi vào hoạt động, Hợp tác xã xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chỉ sử dụng phân bón vi sinh nên sản phẩm không tồn dư hóa chất. Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, Hợp tác xã còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Mô hình của Hợp tác xã Khánh Phong đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, 5ha ổi cho thu hoạch 40-50 tấn/ha/ năm, doanh thu đạt 400-500 triệu đồng; 2ha đu đủ cho thu hoạch 200 tấn quả/năm, giá bán tại các cửa hàng trong hệ thống phân phối của Hợp tác xã là 20.000 đồng/kg, trừ chi phí thu 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, Hợp tác xã còn trồng 1ha táo, 2ha bưởi Diễn, thu bình quân 250-300 triệu đồng/năm; thu nhập đạt 8-12 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ là 6 triệu đồng/ người/tháng.

Từ hiệu quả đã đạt được, năm 2022, Hợp tác xã Khánh Phong đã mở rộng quy mô sản xuất lên 30ha với 30 thành viên tham gia; diện tích cây ăn quả được mở rộng lên 20ha; xây dựng chuồng trại chăn nuôi với 1,3-1,5 vạn con vịt, 5.000 con gà/lứa, thí điểm nuôi hơn 100 con dê sinh học lấy phân ủ hoai mục bón cho cây trồng. Với quy trình sản xuất này, Hợp tác xã Khánh Phong hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, vừa tạo ra sản phẩm sạch, vừa bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, để giúp các hợp tác xã nói chung và Hợp tác xã Khánh Phong nói riêng hoạt động ngày càng hiệu quả, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ về thủ tục thuê đất, lập phương án chuyển đổi, tập huấn khoa học kỹ thuật và bảo lãnh vay vốn tín dụng phát triển sản xuất. Đặc biệt, UBND huyện hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng hồ sơ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình, từ năm 2019 đến nay, huyện hỗ trợ các tổ chức, hợp tác xã nông nghiệp phát triển được 55 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, trong đó, Hợp tác xã Khánh Phong xây dựng được 4 sản phẩm OCOP, gồm: Ổi, đu đủ đạt 4 sao; táo, bưởi Diễn đạt 3 sao. Sau khi được “gắn sao”, sản phẩm của Hợp tác xã Khánh Phong có chỗ đứng ổn định trên thị trường. “Hiện nay, huyện tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp chế biến sâu để Hợp tác xã yên tâm sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị kinh tế…” - ông Lê Văn Khương cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã Khánh Phong hoạt động hiệu quả