Xã Phù Đổng: Khởi sắc nhờ... hoa giấy

Bài và ảnh: Mỹ An| 18/09/2022 06:12

(HNNN) - Quãng đường từ trung tâm Thủ đô về Làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) chỉ khoảng 20km và khá thuận tiện trong việc di chuyển. Không ít người thích thú với những cánh đồng hoa giấy bạt ngàn dọc hai bên đường liên xã Phù Đổng - Trung Mầu. Dẫu vậy, không phải ai cũng biết rằng loài hoa nhỏ bé, mỏng manh này lại có thể “khoác áo mới” cho Phù Đổng, giúp kinh tế - xã hội của địa phương khởi sắc...

 Ông Nguyễn Hồng Chương chăm sóc hoa giấy trong vườn của gia đình.

Hiệu quả nhờ đi đúng hướng

Khoảng 3 thập niên trước, giống như bao vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội khác, Phù Đổng là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa. Đất đai tuy rộng nhưng không đủ màu mỡ để tạo nên những “bờ xôi ruộng mật”, vì thế cuộc sống của người dân khá vất vả mà thu nhập chỉ ở mức thấp.

Thế rồi, như một cơ duyên, nghề trồng hoa, cây cảnh đã đến với xã Phù Đổng. Khoảng năm 1987, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, nhiều gia đình đã mạnh dạn xin phép UBND xã và Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội thành lập Hội làm vườn xã Phù Đổng. Năm 1988, Hội được công nhận, ban đầu chỉ có 30 hộ hội viên. Các hộ này đã mạnh dạn trồng hoa, cây cảnh trên đất vườn, cho thu nhập khá. Lúc này, Đảng bộ, chính quyền xã cũng xác định mục tiêu thúc đẩy thâm canh, tăng năng suất lương thực, thực phẩm; coi trọng phát triển chăn nuôi; khuyến khích phát triển nghề phụ; trong đó, 3 “mũi nhọn” là chăn nuôi bò sữa, trồng dâu nuôi tằm và làm vườn, cây cảnh. Với sự phát triển kinh tế đúng hướng, Phù Đổng đạt được kết quả đáng tự hào. Năm 1993, xã đã xóa được hộ đói, giảm hộ nghèo từ 8% (năm 1991) xuống còn 5%. Một số hộ đã mua được ô tô, máy kéo và các loại máy móc nhỏ. Tổng số hộ giàu trên địa bàn tăng từ 10% (năm 1991) lên 18% (năm 1993).

Đến tháng 6-1994, Đại hội Đảng bộ xã Phù Đổng lần thứ XIX đã đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh tốc độ sản xuất kinh tế hàng hóa, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, hoàn thiện và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng Nông thôn mới... Chia sẻ về sự khởi sắc của giai đoạn này, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết: “Nhờ đi đúng hướng, 3 ngành nghề mũi nhọn trên đã phát huy hiệu quả kinh tế, đặc biệt là nghề trồng hoa, cây cảnh. Toàn xã có 420 hộ gia đình trồng hoa, cây cảnh, trong đó có 40 - 50 hộ có thu nhập cao. Đến nay, toàn xã đã có 645 hộ là thành viên Hội làm vườn - sinh vật cảnh xã Phù Đổng. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của huyện Gia Lâm về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp theo vùng hàng hóa chuyên canh, Phù Đổng là một trong những xã đi đầu trong công tác chuyển đổi phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2020, xã đã chuyển đổi được 40,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cây cảnh tập trung tại các thôn Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Phù Đổng 3”.

Du khách thăm vườn hoa giấy của gia đình ông Nguyễn Hồng Chương.

Đưa thương hiệu làng nghề bay xa

Đến Phù Đổng hôm nay, nhiều du khách không khỏi choáng ngợp bởi những cánh đồng hoa giấy nhuộm màu sặc sỡ. Có được điều này là nhờ đôi tay tài hoa của những người nông dân, không ít trong số đó nay đã trở thành “đại gia” hay có mức thu nhập khá ở địa phương.

Sau nhiều năm công tác ở tổ Cây xanh (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm), anh Trần Đình Huy (thôn Phù Đổng 3) đã từ bỏ công việc ổn định để trở về làm việc cho gia đình. Anh tâm sự: “Gia đình tôi và bên vợ đều có nghề trồng hoa, cây cảnh, vì thế, tôi muốn kế thừa truyền thống gia đình hai bên. Tôi đã đầu tư 400 triệu đồng cho 3 mẫu đất trồng hoa giấy. Nhưng nếu chỉ trồng hoa đơn thuần thì hiệu quả kinh tế không cao, lại không khẳng định được thương hiệu của làng nghề, vì thế, tôi đã đầu tư các giàn mái che, vườn ươm để giâm ủ, chiết cành, tạo thế cây theo thị hiếu của khách hàng. Nhờ đi đúng hướng nên mỗi năm gia đình tôi cung cấp hàng nghìn cây cho các công trình và hàng trăm mẫu có giá trị cao; lợi nhuận mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng”.

Để có được những cây hoa giấy đẹp, anh Huy thường lặn lội khắp nơi tìm kiếm hoặc mua lại những gốc hoa giấy lâu năm. Chỉ vào một gốc cây mà thoạt nhìn ai cũng nghĩ là khúc củi mục, anh Huy say sưa nói về kỹ thuật chăm bón, kích rễ để cây phục hồi. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm, anh Huy khá “mát tay” trong việc hồi sinh, chiết ghép, tạo thế cây theo các hình dáng như cổng chào, chim hòa bình... Theo anh Huy, một gốc cây hoa giấy từ 2 - 8 năm tuổi có giá từ 5 - 15 triệu đồng. Mỗi gốc từ 10 năm trở lên, có kích thước lớn, dáng đẹp sẽ được bán từ 20 - 35 triệu đồng.

Là người có 30 năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa giấy, ông Nguyễn Hồng Chương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phù Đổng 1 được coi là một trong những “đại gia” ở làng với doanh thu đạt 2 - 3 tỷ đồng/năm. Lạc vào cánh đồng hơn 10 mẫu, người ta như lạc vào một thế giới riêng của các loại hoa giấy, nào hoa giấy Thái, hoa giấy Việt Nam, nào hoa giấy bạch kim, ngũ sắc... Ông Chương chia sẻ tình cảm của mình với nghề trồng hoa giấy sau 3 thập niên gắn bó: “Chăm cây hoa giấy đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, không ngại khó, ngại khổ. Loài hoa này mỏng manh, rất dễ rụng, nát khi gặp mưa hay rét đậm; lại dễ héo về mùa nắng. Vì thế, người nông dân phải hiểu đặc tính của từng giống cây để tính toán được lượng nước, phân bón cũng như thời điểm thích hợp thì cây mới ra nhiều hoa, màu sắc rực rỡ và nở quanh năm”.

Hiện tại, gia đình ông Chương thường xuyên thuê từ 5 - 7 thợ giỏi để ghép, chăm sóc, tạo ra hàng trăm mẫu cây với nhiều thế khác nhau; phổ biến nhất là dáng cổng chào, bàn trà, mái đình, chim hạc, rồng... Để tạo nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật này, ông Chương thường lên ý tưởng rồi cùng thợ dựng khung, giâm, chiết cành và tạo hình theo ý muốn. Thời gian cho một chậu cây đẹp, cao từ 2 - 3m thường mất từ 2 - 5 năm hoặc nhiều hơn, tùy vào sự công phu của hình tượng. Mỗi tác phẩm như thế thường có giá 30 - 50 triệu đồng/cây.

Là người luôn “cho” nhiều hơn “nhận”, bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Chương đã giúp nhiều người dân trong xã cùng phát triển nghề trồng hoa giấy. Trực tiếp dẫn chúng tôi tới một nhà vườn, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài chia sẻ: “Được ông Chương chỉ bảo tận tâm, nhiệt tình, nhiều hộ gia đình trong xã đã phát triển kinh tế hiệu quả từ cây hoa giấy. Nhờ đó, thu nhập bình quân theo đầu người ở xã ngày càng tăng, góp phần nhân rộng nghề và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mức thu nhập bình quân theo đầu người ở xã Phù Đổng hiện nay ước đạt 71 triệu đồng/ người/ năm”.

Đi trên con đường liên xã Phù Đổng - Trung Mầu được rải nhựa khang trang, ông Nguyễn Văn Tài nói tiếp: “Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy - Hội đồng nhân dân, UBND xã Phù Đổng, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân địa phương, tháng 8-2020, xã Phù Đổng được UBND Thành phố công nhận chuẩn Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2021 - 2025, xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, hiện đã đạt 16/19 tiêu chí. Cùng với đó, trong năm 2020 - 2021, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận Làng nghề hoa, cây cảnh Phù Đổng và Điểm du lịch Phù Đổng. Đó là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển du lịch xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Phù Đổng: Khởi sắc nhờ... hoa giấy