Sóc Sơn: Không có ''vùng cấm'' trong xử lý vi phạm đất đai

Hoàng Sơn| 07/09/2022 09:53

(NSHN) - Thời gian qua, vi phạm đất đai, công trình thủy lợi tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú (huyện Sóc Sơn) tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng trăm vi phạm cũ chưa được xử lý thì lại phát sinh vi phạm mới.

 Nhiều công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp ở xã Minh Trí (Sóc Sơn) trong thời gian qua cần được xử lý giải tỏa. 

Phát sinh nhiều vi phạm mới

8 tháng qua, trên địa bàn xã Minh Trí phát sinh 55 trường hợp vi phạm đất đai và công trình thủy lợi. Trong đó, lực lượng chức năng đã vận động tự tháo dỡ và cưỡng chế được 49 trường hợp, 6 trường hợp có đơn khiếu nại, xã đang thụ lý giải quyết. Tại xã Phú Minh, phát sinh 19 vi phạm mới, đến nay chưa xử lý được trường hợp nào. Thậm chí, các vi phạm tại địa phương này có chiều hướng phức tạp, khó giải quyết vì những vi phạm đều là công trình có quy mô lớn.

Điển hình, bà Đào Thị Huyền (thôn Thanh Trí) có 2 công trình vi phạm trên diện tích 480m2 và 490m2; ông Nguyễn Tấn Hiên (thôn Phú Ninh) làm nhà khung sắt với diện tích 924m2, nhà tạm 175,7m2; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (thôn Phú Thịnh) xây nhà ở 246m2; ông Nguyễn Văn Hào (thôn Thanh Sơn) xây nhà tạm 225m2, làm sân bê tông 1.000m2; ông Dương Chí Kiên (thôn Phú Thịnh) xây nhà xưởng 702m2...

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, con số thống kê này của các địa phương chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi thực tế hiện nay, vẫn còn hàng trăm trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và công trình thủy lợi như: Hồ Đồng Đò, hồ và kênh Bàn Tiện nhưng chính quyền xã Minh Phú và Minh Trí chưa thống kê, báo cáo.

Lãnh đạo 2 xã Minh Phú và Minh Trí cho rằng: Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, trong khi các đối tượng đối phó với chính quyền bằng cách quây kín tôn bên ngoài để xây dựng công trình trái phép hoặc vi phạm vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ nên khó phát hiện, xử lý... 

 Một công trình vi phạm ở xã Minh Phú bị dừng thi công để xử lý. 

Xử lý dứt điểm trong tháng 9

Trước tình hình phức tạp nêu trên, UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập tổ công tác liên ngành do Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Ngọc làm tổ trưởng, giao các thành viên xuống kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã Minh Trí và Minh Phú xử lý vi phạm. Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Ngọc yêu cầu, lãnh đạo 2 địa phương và các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn, Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn thực hiện nghiêm kế hoạch xử lý vi phạm đã ban hành, tổng hợp báo cáo UBND huyện vào thứ năm hằng tuần. Đồng thời, các địa phương và phòng, ban chuyên môn phải giải quyết dứt điểm 25 trường hợp vi phạm trong tháng 9-2022.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Minh Trí Đinh Văn Bảo thừa nhận: Từ đầu năm đến nay, vi phạm đất rừng, hồ đập thủy lợi trên địa bàn khá phức tạp. Hiện còn 6 trường hợp có khiếu nại, xã đã thông báo thụ lý, mời lên làm việc theo đúng quy trình. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Thế Lưu đặt quyết tâm hoàn thành giải tỏa 19 trường hợp vi phạm phát sinh xong trước ngày 15-9 tới. 

Để gắn trách nhiệm các phòng, ban, đơn vị, địa phương trong xử lý vi phạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết: “Sau ngày 15-9, các địa phương này không hoàn thành xử lý vi phạm theo quy định, tổ công tác đề xuất UBND huyện kỷ luật cảnh cáo lãnh đạo 2 xã. Còn sau ngày 30-9, mà không xử lý xong thì tôi sẽ nhận kỷ luật trước Huyện ủy. Đồng thời, tôi cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện củng cố hồ sơ các trường hợp vi phạm chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện) xử lý hình sự”.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh khẳng định: Giải quyết vi phạm về đất đai cần những giải pháp đồng bộ, không làm nửa vời. Các địa phương chỉ có quyết tâm mà không quyết liệt thì khó giải quyết được vấn đề. Câu chuyện ở đây là cần phát hiện sớm vi phạm, trong đó gắn trách nhiệm cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các tổ chức hội... thông qua thông tin tuyên truyền và giám sát chéo giữa các đơn vị để phát hiện, tố giác vi phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý phải quyết liệt để chủ thể vi phạm phải cân nhắc thiệt hơn trước khi vi phạm thì mới đủ sức răn đe. 

Bí thư Huyện ủy Phạm Quang Thanh yêu cầu, các xã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh vi phạm từ người dân. Các đơn vị như: Xí nghiệp thủy lợi, hạt kiểm lâm… phải có trách nhiệm phát hiện, phối hợp xử lý, không đùn đẩy, né tránh. 

“Sắp tới, Huyện ủy sẽ có nghị quyết chuyên đề về xử lý vi phạm đất đai nhằm ngăn ngừa vi phạm từ trong trứng nước…”, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn: Không có ''vùng cấm'' trong xử lý vi phạm đất đai