Tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh

Sơn Tùng| 19/08/2022 07:08

(HNM) - Thời gian qua, huyện Ứng Hòa tập trung xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) thế mạnh, giúp người dân tiêu thụ thuận lợi, tăng thu nhập. Chị Nguyễn Thị Thu Phương, ở cơ sở sản xuất tăm hương Tuấn Phương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cho biết, trước đây, khi sản phẩm của cơ sở chưa được chứng nhận OCOP thì chủ yếu bán cho thương lái. Năm 2021, khi sản phẩm hương của cơ sở được chứng nhận OCOP đã thêm nhiều khách hàng mới, việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều.

Tương tự, năm 2020, sản phẩm "Gạo chất lượng Khu Cháy" đã tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP và được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt 4 sao. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy, "Gạo chất lượng Khu Cháy" đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Hà Nội, duy trì ổn định chuỗi giá trị. Hiện hợp tác xã chủ yếu gieo trồng giống lúa Japonica, J02 của Nhật Bản và đầu tư hệ thống xay xát hiện đại nên hạt gạo đủ tiêu chuẩn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phân phối, hướng tới xuất khẩu. Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hơn 7.000 tấn gạo tại các tỉnh, thành phố...

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã và nông dân trên địa bàn Ứng Hòa tích cực ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, nhằm thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy sức sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh. Trong đó, xác định "làm tới đâu - chắc tới đó" với mục tiêu mỗi sản phẩm sau khi được chứng nhận sẽ có thị trường tiêu thụ tốt, tăng thu nhập cho người dân và các chủ thể tham gia... Để duy trì và phát triển sản phẩm OCOP, Ứng Hòa đề ra nhiều giải pháp, trong đó, khuyến khích các chủ thể liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất và sản xuất theo nhu cầu thị trường...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, toàn huyện hiện có 10 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá phân hạng. Sau khi được xếp hạng, các sản phẩm đều phát huy hiệu quả. Kinh nghiệm của huyện trong phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh là cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần tạo điều kiện tốt nhất cho các hợp tác xã, chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Điển hình như: Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết được hỗ trợ máy cấy phục vụ sản xuất, hỗ trợ vùng sản xuất lúa chất lượng cao và đăng ký nhãn hiệu tập thể "Gạo chất lượng Khu Cháy", xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm; Hợp tác xã VietGAP Đồng Tiến được hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng bao bì, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Để thêm nhiều sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, hoàn thiện trình tự, thủ tục, hồ sơ... cho các chủ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh