Phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng tại Sóc Sơn

Tiến Lâm| 02/08/2022 07:46

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 1ha tài nguyên lâm nghiệp. Hiện nguy cơ cháy rừng ở mức cao bởi đang là cao điểm mùa nắng nóng nên Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) phối hợp với chính quyền các xã có rừng của Sóc Sơn triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô.

Lực lượng chức năng diễn tập phòng, chống cháy rừng tại huyện Sóc Sơn.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, 4 vụ cháy rừng này đều xảy ra vào những tháng đầu năm. Cụ thể, trong tháng 1-2022 xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy rừng, gồm 2 vụ tại xã Nam Sơn và 1 vụ tại xã Tiên Dược; đến giữa tháng 3-2022, ghi nhận thêm 1 vụ cháy rừng tại xã Nam Sơn. Cả 4 vụ cháy này đều được lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương dập tắt kịp thời nên chỉ thiệt hại 1,037ha rừng. Khu vực rừng bị cháy đều do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội) quản lý. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 3 vụ (tương ứng 45%) và diện tích rừng bị cháy giảm 18ha (khoảng 96%).

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 11 trọng điểm cháy rừng và đang cao điểm mùa nắng nóng gay gắt, chỉ cần bất cẩn trong sử dụng lửa là có thể gây ra các vụ cháy rừng. Còn theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm số 4 Lê Văn Đức, nguyên nhân là do rừng có độ che phủ cao, thảm thực bì dày, là nguồn vật liệu dễ bắt lửa và lan rộng khi cháy. Việc canh gác bảo vệ rừng của các hộ gia đình nhận giao khoán còn yếu; phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các xã còn mang tính hình thức... Bên cạnh đó, nhiều diện tích nằm giáp ranh hai tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, nên nếu không có sự phối hợp tốt sẽ làm gia tăng nguy cơ. Đặc biệt, do có nhiều công trình tâm linh, bãi tập bắn, kho quân sự, nhà dân, đường dây điện… nên khó kiểm soát số lượng người ra vào rừng. Thực tế đã có những vụ cháy rừng xảy ra ở khu vực này gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của lực lượng chức năng...

Sóc Sơn có hơn 4.550ha rừng và quy hoạch đất lâm nghiệp. Để thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng được các cấp chính quyền quan tâm. Theo đó, huyện xác định 11 trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu. Lực lượng kiểm lâm đã thực hiện các đợt tuyên truyền lưu động, lắp đặt 250 banner tại các “điểm nóng” và phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền biện pháp phòng, chống cháy rừng...

UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn là trọng điểm cháy rừng hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, máy móc cần thiết để chủ động chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ"; bố trí cán bộ phối hợp lực lượng kiểm lâm thực hiện giám sát nguy cơ cháy rừng, nhất là vào thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai làm đường cấp thực bì giảm vật liệu cháy rừng hơn 56ha, nhằm phát huy tác dụng ngăn lửa khi xảy ra cháy. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 6 khu vực “điểm nóng” để cảnh báo sớm cháy rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, hiện đã bước vào cao điểm mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao trách nhiệm của các chủ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. “Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện tốt công tác hiệp đồng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn trong việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra sự cố”, ông Tuấn cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng tại Sóc Sơn