Sản phẩm OCOP của Sơn Tây phát huy hiệu quả

Ánh Dương| 29/07/2022 07:39

(HNM) - Đến nay, thị xã Sơn Tây có 78 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các nhóm ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí. Thị xã cũng mở 1 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP ở cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm) và tại các hội chợ do thành phố, thị xã tổ chức... Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm được công nhận OCOP nâng lên rõ rệt, mức tiêu thụ tăng từ 1,2 đến 1,5 lần.

Điển hình tại xã Đường Lâm hiện có 8 sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao, 4 sao. Ông Cao Văn Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm) chia sẻ: Gia đình làm bánh kẹo gia truyền với các sản phẩm kẹo lạc, dồi, vừng, gạo lứt... Trước đây, sản phẩm chủ yếu bán ở địa phương, hoặc xuất bán cho một số đại lý bánh kẹo trên địa bàn thành phố, số lượng không nhiều.

Năm 2012, tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Ban Quản lý di tích Đường Lâm tổ chức cuộc thi đối với các sản phẩm truyền thống của địa phương. Theo đó, 5 sản phẩm kẹo lạc, vừng trắng và đen, kẹo dồi, gạo lứt của cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao đã đoạt giải Nhất, được tổ chức JICA cấp logo HB và chứng nhận sản phẩm an toàn thực phẩm. Tiếp nối thành công, gia đình ông Hiền được các cơ quan chức năng hỗ trợ đăng ký 5 sản phẩm này tham gia OCOP và đều đạt 3 sao.

"Trước khi đạt OCOP, mỗi tháng gia đình sử dụng 2-3 tấn nguyên liệu để sản xuất bánh kẹo, nhưng nay số lượng đã tăng 5-6 tấn/tháng. Thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh... và nhiều khu du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ sở sản xuất cũng tạo việc làm ổn định cho 6-10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập 4-12 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chúng tôi tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt OCOP 4 sao", ông Cao Văn Hiền cho biết thêm.

Tương tự, sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh) sau khi đạt OCOP 4 sao, cũng giúp các chủ thể tăng lượng tiêu thụ. Theo bà Phạm Thị Bình, ở tổ dân phố Phú Nhi 3, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ khẳng định, sản phẩm đạt OCOP còn gắn với thương hiệu làng nghề vốn có từ xa xưa, khách hàng truy xuất nguồn gốc sẽ biết được quy trình sản xuất bánh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu làm bánh được nhập từ các cơ sở có chứng nhận an toàn thực phẩm... nên rất tín nhiệm, do đó lượng tiêu thụ bánh ngày càng cao.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, các chủ thể đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, làm nhãn mác, bao bì đẹp và quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục nỗ lực để được nâng "sao" trong thời gian tới. "Từ nay đến năm 2025, thị xã phấn đấu đánh giá, phân hạng khoảng 120 sản phẩm, trong đó có 90 sản phẩm mới, 30 sản phẩm đánh giá lại do hết hạn giấy chứng nhận đạt 3 sao trở lên; 35-40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đăng ký dự thi nâng hạng 4 sao, 5 sao...", ông Phùng Huy Vinh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm OCOP của Sơn Tây phát huy hiệu quả