Thanh Oai phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp

Đỗ Minh| 15/07/2022 07:42

(HNM) - Với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao, những năm qua, huyện Thanh Oai đã đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, giá trị kinh tế cao. Các chuỗi sản xuất nông nghiệp đã và đang giúp Thanh Oai trở thành vùng kinh tế nông nghiệp của thành phố.

Đóng gói thịt lợn chế biến tại Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai).

Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước là một trong những điển hình về xây dựng và phát triển mô hình theo chuỗi khép kín, giá trị kinh tế cao. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long chia sẻ, hợp tác xã phát triển mô hình chăn nuôi lợn khép kín từ năm 2007 và dần kết hợp xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn. Toàn bộ các khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển của hợp tác xã đều thực hiện với quy trình khép kín, hiện đại và tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn với giá trị thu nhập 90 tỷ đồng/năm, đem lại lợi nhuận 15 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/ tháng. Đến nay, hợp tác xã có 9 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận làm sản phẩm OCOP đạt 4 sao và đang tiếp tục nâng cao để nâng hạng sao cho một số sản phẩm.

Vốn nổi tiếng là vùng trồng cây ăn quả, hiện Thanh Oai đã hình thành mô hình sản xuất cam, bưởi, ổi Đài Loan quy mô lớn, chất lượng cao và hình thành chuỗi sản xuất. Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh cho hay, đến nay, xã đã hình thành được chuỗi sản xuất rau an toàn và quả tại xã. UBND xã đang hỗ trợ người dân liên kết cùng các doanh nghiệp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.

Với thực tế này, hiện Thanh Oai nổi bật với các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi tại một số xã như: Tam Hưng, Thanh Văn, Đỗ Động... Các chuỗi sản xuất lúa gạo của Thanh Oai đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất cũng như tiêu thụ.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) Đỗ Văn Kiên cho biết, hợp tác xã có trên 1.500 xã viên, quy mô lúa sản xuất hằng năm là 1.602ha, trong đó diện tích cấy lúa hàng hóa chiếm trên 80%, đặc biệt có 250ha lúa nếp cái hoa vàng. Năm 2015, hợp tác xã xây dựng thành công nhãn hiệu "Gạo thơm Bối Khê", được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm gạo thơm Bối Khê được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết hình thành các kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Đánh giá về các mô hình sản xuất theo chuỗi của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái thì việc xây dựng các mô hình theo chuỗi là bước đi bền vững của huyện. Các mô hình sản xuất theo chuỗi không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về quy hoạch vùng, quy mô, ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, hình thành nhiều mô hình kinh tế phụ trợ hỗ trợ người dân địa phương.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, đến nay toàn huyện có gần 30 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín. Các mô hình đều bảo đảm chất lượng, bước đầu đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu riêng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào các mô hình chưa lớn, chưa sâu, do đó, thời gian tới, huyện sẽ đặc biệt hỗ trợ về khoa học - công nghệ, hạ tầng giao thông, qua đó hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm liền kề nhằm tạo vùng kinh tế sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp