Hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch

Bạch Thanh| 22/06/2022 07:48

(HNM) - Mỹ Đức là một trong những huyện có diện tích lúa lớn của thành phố Hà Nội (7.200-7.400ha/vụ). Trong những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: Cấy lúa hàng biên, thâm canh lúa cải tiến, mạ khay - cấy máy… qua đó góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa, hướng tới nền nông nghiệp sạch.

Mô hình lúa cấy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới tại xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) đem lại năng suất cao.

Vụ xuân 2022 vừa kết thúc, năng suất lúa toàn huyện Mỹ Đức đạt 68,21 tạ/ha; nhiều cánh đồng tại các xã: Lê Thanh, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Đốc Tín, Hương Sơn… đạt trên 70 tạ/ha, cao hơn nhiều so với năng suất trung bình toàn thành phố. Tại cánh đồng thôn Thượng Quất (xã Hợp Tiến), bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, nhờ sản xuất lúa theo phương pháp mới, mấy năm gần đây thu nhập từ nông nghiệp của nông dân trong xã tăng rõ rệt...

Hợp Tiến là xã có năng suất lúa rất cao (74 tạ/ha). Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến Nguyễn Hà Tuyển cho biết, địa phương này có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 500ha/vụ. Để sản xuất lúa vừa có lãi vừa bảo đảm môi trường, xã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như cấy lúa thẳng hàng, thưa, ít dảnh, điều tiết nước hợp lý, sử dụng bộ giống chất lượng cao… Nhờ đó, không chỉ giảm chi phí về giống, vật tư phân bón, nhân công mà cái "được" lớn nhất là 7 năm nay, những cánh đồng ở Hợp Tiến không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào...

Tương tự, tại xã Lê Thanh, Chủ tịch UBND xã Phạm Trọng Của chia sẻ, nhiều năm nay, được sự giúp đỡ của các đơn vị và ngành Nông nghiệp, địa phương có điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: Cấy lúa hàng biên, thâm canh lúa cải tiến... Kết quả cho thấy, so với cấy lúa truyền thống, phương pháp mới khẳng định rõ tính ưu việt, giúp nông dân giảm chi phí 26%, tăng thu nhập; năng suất tăng 19-20%. Đặc biệt, với phương pháp cải tiến giúp lúa cứng cây, đẻ khỏe, tiện chăm sóc, ít sâu bệnh, giảm được 50% lượng giống; giảm 40-50% công làm mạ, công cấy; giảm 50% công phun và chi phí thuốc bảo vệ thực vật; tiết kiệm được 33% lượng phân bón...

Qua tìm hiểu cho thấy, công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên là đề tài nghiên cứu khoa học của Hội Các ngành sinh học Hà Nội. Đề tài này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng sáng chế độc quyền vào tháng 9-2015, được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) tặng giải Nhì vào tháng 4-2016. Từ đó tới nay, công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên được nhiều địa phương của Mỹ Đức áp dụng cùng biện pháp thâm canh lúa cải tiến, mạ khay cấy máy…

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, khi triển khai các ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều người dân còn dè dặt, song nhờ đội ngũ cán bộ ngành Nông nghiệp (khuyến nông, bảo vệ thực vật) cùng cán bộ hợp tác xã, địa phương nhiệt tình, tâm huyết kết hợp trình độ chuyên môn vững nên khi tuyên truyền, vận động gắn với kết quả thực tiễn, chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng kỹ thuật mới này lan tỏa nhanh chóng, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng lúa gạo và tăng giá trị trên đơn vị canh tác.

Đến nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã có hơn 90% diện tích lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, 1.400ha lúa mỗi vụ ứng dụng toàn phần SRI (thâm canh lúa cải tiến), gần 1.000ha áp dụng mạ khay - cấy máy, cấy hàng biên… Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng nhiều hơn các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giữ vững năng suất lúa, giảm tối đa chi phí. Đặc biệt, mục tiêu của huyện Mỹ Đức là tạo nhiều cánh đồng lúa hàng hóa quy mô lớn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hướng tới nền nông nghiệp sạch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch