Bảo vệ đê điều trọng điểm, xung yếu

Kim Nhuệ| 20/06/2022 07:58

(HNM) - Ba Vì là nơi hợp lưu của 3 dòng sông: Đà, Thao, Lô, lại nằm phía hạ lưu của hồ thủy điện Hòa Bình. Do địa chất yếu kết hợp dòng chủ lưu áp sát khiến tình trạng sạt lở kè, bờ bãi sông trên tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng không ngừng gia tăng qua các năm.

Đơn cử, trên đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Cổ Đô từ năm 2011 đến nay liên tục xảy ra sự cố; trong đó, năm 2011 sạt lở tại vị trí K5 - K7; năm 2017 sạt lở tại vị trí K6+310 - K6+327; năm 2018 sạt lở tại vị trí K5 - K5+850; năm 2019 sạt lở tại vị trí K7+110 - K7+370, xói lở chân kè mỏ hàn số 9, số 10; năm 2021 sạt lở tại vị trí K6+780 - K6+840, xói lở chân kè mỏ hàn số 10, 11, 12... Ngày 13-6 vừa qua, hiện tượng sạt lở tiếp tục phát triển tại vị trí K6+780 - K6+840...

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết, từ năm 2011 đến nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư 81,65 tỷ đồng xử lý các sự cố nêu trên (trừ vị trí K6+780 - K6+840 đang chuẩn bị đầu tư) để bảo đảm khả năng chống lũ. Tuy nhiên, xét thấy sự nguy hiểm của đoạn đê, thành phố Hà Nội đã giao UBND huyện Ba Vì xây dựng phương án bảo vệ khu vực đê, kè xã Cổ Đô; trong đó đã đề ra các giải pháp cụ thể, bảo đảm kịp thời xử lý sự cố khi xảy ra tình huống...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Kinh tế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho hay, huyện đã yêu cầu 15 xã, thị trấn nằm ven đê sông Hồng, sông Đà phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”...

Tìm hiểu công tác hộ đê tại các xã: Thái Hòa, Cổ Đô, Phong Vân, Tản Hồng, Chu Minh..., phóng viên nhận thấy các địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo trên của huyện. “Xã đã thành lập Đội xung kích làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai với 70 người. Người dân địa phương sẵn sàng đóng góp 1 cây tre, 1 bao tải, 5kg rơm rạ, 1 bó đuốc phục vụ công tác hộ đê...”, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô Nguyễn Minh Đức thông tin.

Tương tự, 14 xã còn lại nằm ven tuyến đê hữu Hồng, hữu Đà đã phân công 10-12 người trực tại các điếm làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác đê khi có báo động lũ từ cấp I trở lên; theo dõi sát diễn biến sự cố và sẵn sàng tham gia xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì đã chuẩn bị hơn 800m3 đá và hơn 500 người cùng các phương tiện để sẵn sàng xử lý sự cố sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều...

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Ba Vì có thể bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ năm nay. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng phức tạp, rất cần các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí xử lý tổng thể, đồng bộ các vị trí đê trọng điểm, xung yếu trên tuyến hữu Đà, hữu Hồng, nhất là đoạn thuộc khu vực xã Cổ Đô trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ đê điều trọng điểm, xung yếu