Mê Linh tăng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Hoàng Sơn| 10/06/2022 07:34

(HNM) - Từ đầu năm 2022 đến nay, sản xuất nông nghiệp ở huyện Mê Linh tiếp tục có chuyển biến tích cực khi các hợp tác xã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nông sản sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Áp dụng hệ thống tưới tự động vào sản xuất rau an toàn ở Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Thu

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) có 351 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 200ha, chuyên trồng các loại rau, củ, quả... Mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp khoảng 4.000 tấn nông sản cho các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng sản lượng rau, củ của Hợp tác xã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá các loại rau, củ ổn định và tăng so với cùng kỳ nhiều năm. Đơn cử, củ cải có giá 8.000-10.000 đồng/kg, cải ngồng 7.000-9.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hiền, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao chia sẻ, gia đình bà có 4 sào đất, chủ yếu trồng rau cải Đông Dư. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá rau xanh cao gấp hai lần thời điểm trước Tết Nguyên đán nên mỗi sào rau, gia đình lãi 7 triệu đồng/lứa...

Tương tự, tại các xã: Hoàng Kim, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê… người dân cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết hàng hóa, giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt kết quả tốt. Điển hình, tại xã Hoàng Kim, người dân đã chuyển đổi hơn 100ha đất bãi ven sông Hồng sang trồng chuối tiêu hồng cho giá trị kinh tế cao. Bình quân mỗi héc ta chuối tiêu hồng cho thu nhập 250 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, đậu tương. Hiện, sản phẩm chuối của xã Hoàng Kim đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, mỗi năm, hàng trăm tấn chuối được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng thực hiện tốt phương châm "thích ứng an toàn" với dịch bệnh, huyện Mê Linh đã chủ động, tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết hàng hóa. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện vẫn đạt kết quả tốt.

Đến nay, toàn huyện Mê Linh đã phát triển được 860ha cây ăn quả, gần 1.100ha rau an toàn quy mô lớn có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, mỗi tháng cung cấp ổn định cho thị trường 9.000-12.000 tấn rau, củ, quả. Ngoài ra, toàn huyện có 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khoảng 20 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, giá trị kinh tế đạt từ 250 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm...

Cũng theo ông Lê Văn Khương, để ổn định và phát triển, huyện Mê Linh căn cứ diễn biến thời tiết và điều kiện sản xuất của nông dân để xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất mùa vụ phù hợp thực tiễn. UBND huyện triển khai các giải pháp như mời gọi doanh nghiệp vào chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến nông sản cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản để ổn định đầu ra, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh tăng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản