Xây dựng, duy trì mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp

Trung Nguyên| 20/05/2022 07:22

(HNM) - Từ năm 2019 đến nay, Hoài Đức tích cực xây dựng, duy trì các chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, toàn huyện đang duy trì 5 mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn theo hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) tại các vùng rau: Thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên), Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Bảng, Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Viên (xã Song Phương), Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Côn (xã Vân Côn) và vùng bưởi xã Cát Quế.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Viên (xã Song Phương) Nguyễn Công Kiên chia sẻ: Địa phương có 100,1ha sản xuất rau an toàn. Quá trình trồng trọt, nông dân gặp khó khăn trong việc phòng trừ sâu bệnh, chưa tiếp cận nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật... Để giải quyết vấn đề này và giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu xã hội, hợp tác xã đã được các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Hoài Đức hỗ trợ xây dựng, duy trì mô hình "Kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) trong sản xuất rau an toàn quy mô 40ha" với 436 hộ nông dân tham gia. Cũng được các cơ quan chức năng hỗ trợ quy mô sản xuất rau an toàn trên diện tích 40ha, Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Bảng (xã Song Phương) có 468 hộ nông dân tham gia mô hình; Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Côn (xã Vân Côn) có 832 hộ tham gia...

Với mục tiêu hình thành vùng sản xuất rau bảo đảm an toàn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hình thành kênh tiêu thụ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng... mô hình sản xuất rau an toàn tại các xã trên địa bàn huyện Hoài Đức tập trung trồng các loại rau họ đậu, họ cà, họ bầu bí, họ hoa thập tự (su hào, cải bắp, súp lơ, cải ăn lá)... Các hộ thành viên tham gia mô hình được hướng dẫn, tập huấn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để diệt sâu, bệnh; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định; ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm..., góp phần giúp cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt, tạo ra sản phẩm rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe của chính người sản xuất.

Đánh giá cao quá trình xây dựng, duy trì, phát triển các chuỗi sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Hoài Đức, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, đây là mô hình phù hợp xu thế chung và chủ trương của UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức trong việc quản lý sản xuất - tiêu thụ rau an toàn. Bởi vậy, mô hình cần được nhân rộng tại các vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm hơn nữa khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm kích cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng, duy trì mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp