Nông dân Gia Lâm chung sức giữ sạch môi trường

Ánh Dương| 25/03/2022 07:05

(HNM) - Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nông dân huyện Gia Lâm đang tích cực thực hiện phong trào "3 nhóm mô hình, 10 phần việc" gắn với "Xây dựng cánh đồng sạch, tuyến đường nông dân kiểu mẫu". Việc làm này không chỉ góp phần giữ sạch, đẹp môi trường, mà còn giúp các xã của Gia Lâm sớm về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hội Nông dân huyện Gia Lâm gắn biển “Cánh đồng sạch” tại xã Lệ Chi.

Được Hội Nông dân huyện Gia Lâm đánh giá là đơn vị điển hình trong giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, các hội viên Hội Nông dân xã Lệ Chi đang tiếp tục nhân thêm nhiều tuyến đường, nhiều hàng cây nông dân kiểu mẫu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ hào hứng nói: “Từ nhiều năm qua, nông dân Lệ Chi đã tích cực góp sức bảo vệ môi trường. Cụ thể, từ năm 2019 đến 2021, xã trồng 88 cây Osaka, 30 cây hoa ban, gắn biển một tuyến đường nông dân kiểu mẫu ở thôn Sen Hồ... Đầu năm 2022, Hội tiếp tục trồng mới 3 hàng cây ở đường trục xã và đường thôn Gia Lâm với 78 cây kèn hồng, sò đỏ cam, muồng hoàng yến. Đặc biệt, tại thôn Cổ Giang, từ hơn chục năm trước, đã thành lập một đội trồng cây”.

Chi hội trưởng Chi hội nông dân kiêm Trưởng thôn Cổ Giang Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: Hằng năm, Chi hội nông dân thôn phối hợp với đội trồng cây vận động nhân dân xã hội hóa, mua cây xanh về trồng ven các trục đường của thôn. Yêu môi trường xanh sạch, nên những người dân thôn Cổ Giang còn tự nguyện chăm sóc những hàng cây, hoa mới trồng.

Cũng tích cực làm sạch, đẹp cảnh quan môi trường, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, Hội Nông dân xã Phù Đổng cũng đã tổ chức gắn biển cánh đồng sạch và ra mắt 2 nhóm "Tự quản an ninh đồng ruộng"; xã Kim Lan tổ chức trồng 2.700 cây chuỗi ngọc và 70 bồn cây ven trục đường hàng cây nông dân và tuyến đường nông dân kiểu mẫu...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, năm 2022, Hội Nông dân huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ sở Hội và yêu cầu các đơn vị thực hiện hiệu quả "3 nhóm mô hình" bằng việc xây dựng các mô hình chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau an toàn... phát triển thành vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả kinh tế cao; tổ chức thực hiện "10 phần việc" gắn với xây dựng "Cánh đồng sạch, tuyến đường nông dân kiểu mẫu", 100% cơ sở hội thực hiện vệ sinh đồng ruộng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

Trong năm 2022, Gia Lâm sẽ có ít nhất 5.000 hội viên nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật nông nghiệp với các nội dung về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; quy trình sản xuất bảo quản, tiêu thụ nông sản an toàn; triển khai 20 dự án vay vốn giúp nông dân đầu tư chuyển đổi cây trồng, sản xuất an toàn, phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tiêu thụ sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương; 20 đơn vị chuyển đổi, xây dựng, gắn biển "Cánh đồng sạch"...

Cũng theo ông Chu Anh Tuấn, chỉ tính riêng quý I-2022, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện đã trồng mới 936 cây và gắn biển 15 "Hàng cây nông dân", tổng chiều dài 4.705m với tổng số tiền 286 triệu đồng; xây dựng 19 cánh đồng sạch với 605 hộ hội viên tham gia trên tổng diện tích 109ha; xây dựng và gắn biển 19 tuyến đường nông dân kiểu mẫu với tổng chiều dài 7.248m; duy trì 112 đoạn đường "nông dân tự quản" với chiều dài hơn 30.000m tại các thôn, xóm, khu dân cư... Thời gian tới, nông dân huyện Gia Lâm tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động cụ thể để đạt và vượt các tiêu chí được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Gia Lâm chung sức giữ sạch môi trường