Ba Vì nâng cấp nhiều công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 09/03/2022 07:32

(HNM) - Hiện, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Ba Vì bị hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai. Thực trạng này đòi hỏi Ba Vì và các đơn vị liên quan cần sớm triển khai các kế hoạch sửa chữa, nâng cấp.

Nhiều hạng mục của hồ thủy lợi Giếng Dị tại xã Thụy An (huyện Ba Vì) xuống cấp nghiêm trọng.

Ba Vì là một trong những huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp và hệ thống công trình thủy lợi lớn nhất thành phố Hà Nội. Theo phân cấp của thành phố, huyện Ba Vì đang quản lý 30 hồ thủy lợi nhỏ, 157 đập, 46 trạm bơm, 3.772 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 1.767km. Đánh giá chất lượng sau khi tiếp nhận từ Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích bàn giao, huyện Ba Vì cho rằng có quá nhiều công trình trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai.

Quan sát thực tế một số công trình thủy lợi trọng điểm trong ngày 5-3, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy đánh giá trên của huyện Ba Vì là có cơ sở. Đơn cử, hồ Giếng Dị rộng 1,6ha, có nhiệm vụ trữ nước và tưới cho hơn 40ha sản xuất nông nghiệp của thôn Thụy Phiêu (xã Thụy An). Thế nhưng, hơn 300m mái đập phía thượng lưu của hồ đang bị sạt lở, nhiều vị trí ăn sâu vào thân đập từ 40 đến 60cm. Bên cạnh đó, hạng mục tràn xả lũ bị bong tróc, cống lấy nước bị rò rỉ. Ngoài ra, toàn bộ bờ kênh lấy nước từ hồ bị sụt sạt, không đáp ứng yêu cầu dẫn nước ở mức xả cao.

Tương tự, nhiều hạng mục công trình các hồ: Đồi Tang ở xã Sơn Đà, Yên Hồng ở xã Tản Lĩnh hay Vai Bặn ở xã Vân Hòa… đang bị hư hỏng, xuống cấp khi đập bị sạt lở, đường tràn bị lún sụt biến dạng, cống lấy nước bị rò rỉ, lòng hồ bị bồi lắng… Không chỉ hồ, đập thủy lợi mà nhiều trạm bơm, tuyến kênh tưới, tiêu tại các xã, thị trấn: Tây Đằng, Chu Minh, Phú Cường, Tản Hồng, Thái Hòa, Tản Lĩnh, Sơn Đà, Khánh Thượng… cũng đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp.

Về nguyên nhân nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, phần lớn những công trình này đều được xây dựng từ nhiều năm trước. Mặt khác, trong gần 5 năm quản lý, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích chưa dành nguồn lực thỏa đáng để sửa chữa, nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp… Liên quan vấn đề này, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đào Mạnh Thủy, do nguồn lực hạn chế nên đơn vị chỉ ưu tiên sửa chữa công trình đầu mối, chưa thể đầu tư cho những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng.

Trước thực trạng trên, người dân và lãnh đạo các địa phương của huyện Ba Vì rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai…

Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin, huyện đã đánh giá chất lượng công trình và đề nghị các sở: NN&PTNT, Tài chính kiểm tra, đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí ưu tiên sửa chữa 10 công trình trọng điểm nhưng đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. “Trong khi chờ thành phố xem xét, huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thủy lợi thành phố trong điều tiết nguồn nước; chủ động sửa chữa các công trình, bảo đảm đủ nước phục vụ tưới dưỡng lúa xuân 2022; đồng thời xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố hồ, đập, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du…”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì nâng cấp nhiều công trình thủy lợi