Gia Lâm phát triển nông nghiệp xanh, gắn với du lịch

Ánh Dương| 25/02/2022 07:31

(HNM) - Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, huyện Gia Lâm đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề trên địa bàn, góp phần giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Khách du lịch trải nghiệm vẽ hình trên sản phẩm gốm thô tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Minh

Hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) tập trung chuyển đổi hàng trăm héc ta đất trồng lúa, rau màu sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao với 116,36ha hoa, cây cảnh, 142,53ha cây ăn quả.

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh phấn khởi nói: "Giá trị thu nhập 1ha hoa, cây cảnh đạt 780 triệu đồng/năm; cây ăn quả đạt 290 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân toàn xã đạt 69,3 triệu đồng/người/năm... Xã đang phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ "Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng xã thành phường và phát triển du lịch xã Phù Đổng"... Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã xác định du lịch là hướng đi tiên phong, mũi nhọn, góp phần quảng bá sản phẩm nông sản tới khách thập phương... Nỗ lực phấn đấu, tháng 11-2021, xã Phù Đổng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm Du lịch Phù Đổng, bổ sung thêm điểm du lịch vào bản đồ du lịch Thủ đô”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Đổng Nguyễn Thị Thúy cho biết, thời gian qua, nông dân Phù Đổng đã đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, hình thành một số làng nghề đặc trưng như: Làng hoa cây cảnh thôn Phù Đổng; trồng rau, củ, quả thôn Đổng Viên... Đặc biệt, làng nghề hoa giấy Phù Đổng đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo cảnh quan vùng hoa rộng lớn, nhiều màu sắc, thu hút khách tham quan du lịch, trải nghiệm và mua sắm...

Nằm trong cụm phát triển du lịch Bát Tràng - Kim Lan - Văn Đức của huyện Gia Lâm, xã Văn Đức cũng xác định xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp du lịch tâm linh, do địa phương có một số di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia...

Bí thư Đảng ủy xã Văn Đức Trần Xuân Điệu chia sẻ: Phát huy thế mạnh, tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, xã đã phát triển 300ha với các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung thành mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm thực tế. Đơn cử, vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở thôn Chử Xá đã đón nhiều lượt khách, nhiều đoàn học sinh ở các trường học đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau an toàn, trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất rau... Hay mô hình trồng hoa, cây cảnh ở các thôn: Chử Xá, Trung Quan cũng được khách thập phương tìm đến tham quan, mua sản phẩm...

Trong khi đó, xã Bát Tràng từ tháng 12-2021, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề Bát Tràng với 21 mẫu sản phẩm lưu niệm gồm: Bộ bát và đĩa lá sen, chén và tách sen, hộp đựng mứt in hình sen cổ... Xã Bát Tràng cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề Bát Tràng, nhằm thu hút khách thập phương đến tham quan, du lịch, mua sắm sản phẩm làng nghề, nông sản của địa phương...

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết thêm, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm có những giải pháp định hướng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ; áp dụng khoa học công nghệ cao... tại những vùng trọng điểm; hướng tới xây dựng, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, đồng thời gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm phát triển nông nghiệp xanh, gắn với du lịch