Thanh Oai khai thác lợi thế phát triển kinh tế nông thôn

Đỗ Minh| 06/12/2021 07:45

(HNM) - Thanh Oai là huyện nông nghiệp phát triển với đa dạng sản phẩm. Toàn huyện có 51 làng đã được công nhận là làng nghề và làng có nghề. Đây được coi là thế mạnh của Thanh Oai khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thanh Oai xác định khai thác lợi thế phát triển sản phẩm OCOP là nguồn lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai).

Những năm qua, dù chịu tác động lớn từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, song Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước) vẫn duy trì sản xuất hiệu quả, không bị tác động từ dịch bệnh. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết, bằng việc phát triển chăn nuôi theo quy trình khép kín, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z”. Hằng ngày, chuỗi cung ứng của hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. “Thương hiệu Chuỗi thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố. Hợp tác xã đang nỗ lực để đưa sản phẩm này được công nhận 5 sao cấp quốc gia” - ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ.

Tương tự, đến nay, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) đang đẩy mạnh tiêu thụ nhờ có sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết, hợp tác xã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là Gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7. Hợp tác xã đang duy trì 400ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và gần 250ha lúa nếp cái hoa vàng. Nhờ được chứng nhận OCOP, những năm qua, hợp tác xã đã liên kết, ký kết với một số công ty để tiêu thụ ổn định sản phẩm cho xã viên, nông dân.

Về triển khai Chương trình OCOP của huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn đánh giá: Là huyện có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, Thanh Oai coi trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn liền chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ. Phát triển sản phẩm OCOP địa phương là cơ sở quan trọng thực hiện các tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, huyện có 33 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao, một số sản phẩm đang xin tăng hạng 5 sao. Từ nay đến cuối năm 2021, huyện phấn đấu xếp hạng thêm 30 sản phẩm, tập trung cho sản phẩm làng nghề truyền thống.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, Thanh Oai đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể đăng ký, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đang tập trung cho việc xếp hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP năm 2021. Huyện đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững. Ngoài ra, Thanh Oai vận động các cơ sở tham gia Hội chợ OCOP tại thành phố Hà Nội; tập huấn về Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu, tổ chức các gian hàng trưng bày...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai khai thác lợi thế phát triển kinh tế nông thôn