Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Ánh Dương| 11/10/2021 07:59

(HNM) - Huyện Hoài Đức đã và đang phối hợp với sở, ngành chức năng tập trung hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng thành công nhiều sản phẩm OCOP. Qua đó, khai thác tối đa sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp làng nghề có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Nông dân thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) chăm sóc rau an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Hải

Tận dụng dải đất phù sa màu mỡ ven sông Đáy, người dân thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) tập trung trồng các loại rau màu, quả theo hướng an toàn, VietGAP, cho năng suất, chất lượng cao. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào cho biết: Hợp tác xã có 2.000 xã viên, canh tác trên diện tích 46ha đất bãi, trong đó có hơn 30ha đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với năng suất 300 tấn rau, củ/năm. Thế mạnh của hợp tác xã là các loại rau ăn lá, rau theo mùa vụ như: Cải ngồng, cải mơ, cải canh, cải ngọt, bó xôi, cải chíp, mùng tơi, rau dền… được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu Rau an toàn Tiền Lệ. Do đó, ngay khi huyện Hoài Đức thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hợp tác xã đã đăng ký tham gia với 4 sản phẩm chủ lực là rau cải mơ, cải ngồng, mùng tơi, rau dền.

Cuối tháng 9-2021, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hoài Đức chấm điểm và đề nghị Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đánh giá đạt “4 sao”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Hào, sản phẩm được chứng nhận OCOP sẽ giúp quảng bá, mở rộng mạng lưới tiêu thụ.

Với mong muốn mang đến cho thị trường sản phẩm bún, phở khô để chế biến cùng các nguyên liệu khác như rau, củ, thịt lợn, thịt gà… thành món ăn ngon, cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở khô của gia đình anh Đỗ Danh Chí ở xã Minh Khai, đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm bún, phở gạo lứt. Anh Đỗ Danh Chí cho rằng, trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng khá chuộng sản phẩm bún, phở gạo lứt bởi đã được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá chất lượng dinh dưỡng, giúp giảm cholesterol xấu, cải thiện hệ thống miễn dịch… Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu kém chất lượng để cạnh tranh giảm giá thành. Do đó, anh đăng ký tham gia Chương trình OCOP với cam kết sử dụng nguyên liệu trong nước, có chất lượng, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hoài Đức chấm 3 điểm.

Tương tự, nhiều sản phẩm khác của các xã, đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Hoài Đức như: Nước gừng xay, tinh dầu gừng, gừng mật ong, bột sắn dây xứ Đoài, tranh thêu tứ bình… cũng đã được hội đồng cấp huyện chấm điểm và đề nghị cấp thành phố đánh giá, phân hạng đạt “4 sao”...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, năm 2020, Hoài Đức có 14 sản phẩm được thành phố đánh giá, chấm điểm, phân hạng “4 sao” và sản phẩm bún gạo đạt “5 sao”. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục triển khai Chương trình OCOP năm 2021, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ từ 70 đến 75 sản phẩm. Cuối tháng 9-2021, huyện đã tổ chức đánh giá, chấm điểm được 22 sản phẩm OCOP tiềm năng 3-4 sao. Thời gian tới, huyện xúc tiến hỗ trợ các địa phương kinh phí tư vấn lập hồ sơ, phân tích, kiểm tra đối với các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm; xây dựng 2 điểm giới thiệu, trưng bày bán sản phẩm OCOP cấp huyện nhằm quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế