Ứng Hòa thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp

Bạch Thanh| 01/10/2021 07:07

(HNM) - Là vùng nông nghiệp trọng điểm của thành phố Hà Nội, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa gặp không ít khó khăn, thách thức do nông sản tiêu thụ chậm, giá vật tư đầu vào tăng cao... Để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian tới, Ứng Hòa đã, đang thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả.

Huyện Ứng Hòa đang đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ trứng vịt Đông Lỗ (xã Đông Lỗ).

Trong 9 tháng qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng người dân Ứng Hòa, nông nghiệp của huyện được duy trì phát triển ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ngay cả trong những tháng cao điểm về dịch bệnh, giãn cách xã hội... Số lượng đàn vật nuôi tăng so với cùng kỳ, như: Đàn trâu tăng 23,94%; đàn lợn tăng 30,21%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng qua đạt 27.711 tấn, tăng 7,6%; diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 4.070ha, tăng 242ha, sản lượng đạt 28.845 tấn, tăng 6,3%; không xuất hiện các loại dịch bệnh gây hại đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả đều đạt về diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm. Cả hai vụ lúa xuân và lúa mùa với hơn 16.000ha đều thắng lợi, năng suất đạt hơn 60 tạ/ha...

Tuy nhiên, Ứng Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiêu thụ hàng trăm tấn thủy sản. Chủ tịch UBND xã Trung Tú Vương Đăng Tân cho biết, toàn xã có 308ha nuôi trồng thủy sản, hàng trăm hộ chuyên canh lúa, cá, vịt; riêng sản lượng cá đạt gần 1.500 tấn/năm. Trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết thủy sản đều tiêu thụ chậm, người chăn nuôi phải kéo dài thời gian thu hoạch so với dự kiến khiến chi phí tăng. Vì vậy, xã đã lập danh sách các hộ cần hỗ trợ tiêu thụ nông sản gấp để có kế hoạch kết nối với các đơn vị...

Anh Đào Tuấn Anh đang nuôi 3.000 vịt thịt tại xã Trung Tú, chia sẻ, thời gian qua, không chỉ đầu ra sản phẩm gặp khó khăn mà giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-30%. Để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, gia đình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ kết hợp thả đồng trong nuôi vịt... Còn anh Bùi Văn Chung (thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang) cho biết, với 6.200m2 chuyên trồng dưa các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, có thời điểm vườn dưa đến kỳ thu hoạch tới 5 tấn nhưng khó tiêu thụ, giá giảm, gia đình anh phải vận dụng nhiều kênh bán hàng (mạng xã hội, qua hội đoàn thể...) để có nguồn kinh phí tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, do giá vật tư, phân bón tăng cao nên việc đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, để bảo đảm tăng trưởng, tạo đà cho kinh tế nông thôn bứt phá, huyện nhận định phải bảo đảm 2 yếu tố: Tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm; kết nối tiêu thụ nông sản, không để tồn đọng, dư thừa cục bộ. Qua thống kê sơ bộ, ngoài bảo đảm lương thực, thực phẩm tại chỗ, từ nay đến cuối năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cần tiêu thụ 4.393 tấn rau, củ; 16.141 tấn gạo; 8.164,63 tấn thịt lợn; 255,14 tấn gia cầm; 3.393,06 tấn thủy sản; 38,051 triệu quả trứng...

Ứng Hòa đang khuyến khích các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm để giảm rủi ro; các đơn vị đẩy mạnh hỗ trợ hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và sản xuất có liên kết với đơn vị tiêu thụ; khuyến khích thành lập các hợp tác xã chuyên ngành để tập hợp nhóm hộ cùng sản xuất một loại nông sản, tạo chuỗi sản xuất lớn... Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh quảng bá nông sản thế mạnh như: Gạo Khu Cháy, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Đông Lỗ, rau an toàn Sơn Công, dưa lưới công nghệ cao Hồng Quang... thông qua các kênh bán hàng trực tuyến của thành phố, sở, ngành; có chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản với một số quận...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng Hòa thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp