Đan Phượng nỗ lực trở thành huyện nông thôn mới nâng cao

24/09/2021 07:21

(HNM) - Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và dẫn đầu thành phố trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu về đích năm 2021.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng về kinh nghiệm của Đan Phượng trong xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển trở thành một quận của Thủ đô trong tương lai.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Khắc Hiển

- Quý I-2021, huyện Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao cấp xã, vậy tiến độ thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao thì thế nào, thưa ông?

- Huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất làm cơ sở đánh giá huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với tiêu chí này, Đan Phượng thực hiện các tiêu chí khác liên quan đến quy hoạch, xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất...

Trong thời gian chờ trung ương ban hành quyết định về Bộ tiêu chí đánh giá công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các địa phương thực hiện, Đan Phượng tiếp tục củng cố các tiêu chí theo Bộ tiêu chí của giai đoạn 2016-2020, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng năm 2021, Đan Phượng đã phê duyệt 104 dự án mới với tổng vốn huy động là 603 tỷ đồng để xây dựng trường học các cấp; nâng cấp trụ sở làm việc ở xã Liên Trung, Đồng Tháp; mở rộng đường từ tỉnh lộ 422 vào thôn Thượng Hội (xã Tân Hội)...

- Là huyện dẫn đầu thành phố trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của huyện?

- Để có thành công nêu trên, huyện đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp với tinh thần đổi mới, sáng tạo và trong quá trình thực hiện luôn có sự tính toán kỹ lưỡng. Nếu như giai đoạn 2011-2016, Đan Phượng tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thiện bước đầu về hạ tầng nông thôn thì đến giai đoạn 2016-2020, huyện chú trọng nâng cao về chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới với các phong trào “đường có hoa, nhà có số”, “đường bích họa” “cải tạo ao môi trường”… được nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố về tham quan học tập.

Hay khi xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (năm 2018), lúc đó, trung ương và thành phố chưa ban hành bộ tiêu chí đánh giá, công nhận để có cơ sở thực hiện, huyện đã tìm tòi, vận dụng nhiều cách làm, trong đó có việc đặt ra những tiêu chí cao hơn so với nông thôn mới thông thường để thực hiện. Đến tháng 8-2018, khi thành phố ban hành “Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020”, áp vào thực tế triển khai, 3 xã (Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung) đã có nhiều chỉ tiêu đạt và cơ bản đạt so với yêu cầu đề ra.

Trường học cũng là tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao bởi để đạt chuẩn, địa phương phải có 3 cấp trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nên cần rất nhiều kinh phí đầu tư. Tháo gỡ khó khăn, huyện đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo làm việc với từng nhà trường và các xã, thị trấn để xác định điều kiện đủ và chưa đủ, từ đó có kế hoạch đầu tư cho từng trường, từng xã. Đến nay, các xã, thị trấn đều hoàn thành tiêu chí này.

- Để đánh giá, công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, bên cạnh kết quả đạt được, huyện còn khó khăn gì, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa thể triển khai. Mặt khác, Chính phủ vẫn chưa ban hành Bộ tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các địa phương căn cứ thực hiện.

Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng nội tại, Đan Phượng mong muốn thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện và đi qua địa bàn như: Nhà máy nước mặt Sông Hồng, đường Tây Thăng Long, đường Vành đai 3,5... nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Đan Phượng là 1 trong 5 huyện của Hà Nội tập trung thực hiện các tiêu chí phát triển thành quận vào năm 2025. Vậy định hướng của huyện hướng tới mục tiêu vừa xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, vừa thực hiện tiêu chí của một quận ra sao?

- Huyện đã chỉ đạo, rà soát kết quả thực hiện bộ tiêu chí quận và tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để tích hợp các tiêu chí, bảo đảm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trước khi trở thành quận. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, Đan Phượng sẽ tập trung chỉ đạo phát triển các khu đô thị mới theo quy hoạch, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống. Ở các ngôi làng có bề dày lịch sử, có cảnh quan thiên nhiên, huyện định hướng phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng nỗ lực trở thành huyện nông thôn mới nâng cao