Đẩy mạnh nâng cấp hệ thống trường học

Hoàng Sơn| 17/09/2021 07:33

(HNM) - Đến thời điểm này, 16 xã của huyện Mê Linh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao tiêu chí hạ tầng giáo dục làm tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, Mê Linh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, đẩy mạnh nâng cấp hệ thống trường học trên địa bàn theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Trường Trung học phổ thông Yên Lãng (huyện Mê Linh) được đầu tư xây dựng để đạt chuẩn quốc gia.

Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2012, đến nay, Liên Mạc (huyện Mê Linh) tiếp tục được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Đức Tình cho biết, địa phương đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch cụ thể để phát huy nguồn lực tại chỗ, đồng thời, huy động đa dạng nguồn lực trong cộng đồng và tranh thủ sự hỗ trợ của huyện, thành phố đầu tư nâng cao các tiêu chí như: Giao thông, cơ sở vật chất nhà văn hóa, đặc biệt là cơ sở vật chất trường học. Từ năm 2020 đến nay, từ các nguồn hỗ trợ, xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp Trường Mầm non Liên Mạc, Trường Tiểu học Liên Mạc A và Tiểu học Liên Mạc B... Dự kiến, khi hoàn thành, xã Liên Mạc sẽ có 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tương tự, tại xã Tiền Phong, đầu năm 2021, UBND huyện Mê Linh quyết định đầu tư hơn 80 tỷ đồng mở rộng hai trường: Tiểu học Tiền Phong B và Trung học cơ sở Tiền Phong. Ông Trần Văn Mạnh, người dân xã Tiền Phong cho biết, từ khi ngôi trường mới đi vào hoạt động đã giúp con em địa phương có môi trường học tập tốt hơn và tạo ra bộ mặt nông thôn khang trang, hiện đại hơn.

Trong nhiều năm qua, tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới luôn được huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm. Đến nay, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 60/72 trường học công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 83,3% số trường; 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp trung học phổ thông hoặc tương đương đạt khoảng 95%.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Phùng Đình Quý cho biết, để có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại này, 10 năm qua, huyện Mê Linh đã triển khai hàng trăm dự án nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2020-2021, UBND huyện đã triển khai 14 dự án với tổng mức đầu tư hơn 520 tỷ đồng; trong đó, có gần 134 tỷ đồng do thành phố hỗ trợ…

Với nguồn kinh phí này, đến nay huyện Mê Linh xây dựng mới được 355 phòng học và 149 phòng chức năng. Ngoài ra, gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp và nguồn kết dư ngân sách huyện cũng đã được bố trí mua sắm trang thiết bị cho các trường học. Nhờ đó, cơ sở vật chất trường học tại 16/16 xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, dù hệ thống giáo dục 3 cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) ở huyện Mê Linh được đầu tư đạt chuẩn, nhưng để được công nhận huyện nông thôn mới, Mê Linh cần phải có 2/3 số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, tại địa phương mới chỉ có 2/6 trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định là Trường Trung học phổ thông Yên Lãng và Trường Trung học phổ thông Quang Minh.

Hiện nay, thành phố đã bố trí nguồn ngân sách đầu tư xây mới Trường Trung học phổ thông Mê Linh và Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh theo chuẩn quốc gia và dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2021. Kết quả này sẽ giúp huyện Mê Linh đạt điểm tối đa tiêu chí giáo dục để được công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh nâng cấp hệ thống trường học