Nâng cao giá trị cây trồng

Bài, ảnh: Đức Duy| 30/08/2021 07:05

(HNM) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Mê Linh đã có 35 sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ 3 đến 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi, là động lực để huyện tiếp tục đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng tại địa phương.

Củ cải trồng tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao. 

Trong tổng số 35 sản phẩm của huyện Mê Linh được công nhận OCOP, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) có đến 18 sản phẩm đạt 3-4 sao, gồm: Củ cải, bầu, bí, dưa chuột, mướp đắng, cà rốt... Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, việc được "gắn sao" đã giúp nông sản của hợp tác xã nâng cao thương hiệu trên thị trường, tạo tiền đề cho rau, củ, quả của địa phương tiếp cận hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Còn Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh) lại đăng ký sản phẩm OCOP là trái cây. Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, áp dụng quy trình sản xuất tốt, các cây ăn quả như: Ổi, táo, bưởi, đu đủ... của hợp tác xã được tiêu thụ ổn định, nhất là đã xây dựng thành công chuỗi liên kết cung cấp trái cây cho hệ thống bán lẻ trong nội thành. Đặc biệt, sản phẩm ổi và đu đủ của đơn vị đã được UBND thành phố công nhận đạt 4 sao trong Chương trình OCOP. Điều này không chỉ giúp việc tiêu thụ trái cây được thuận lợi mà còn tăng thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô khẳng định, các sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh chưa thực sự đa dạng, mới tập trung vào nhóm rau, củ, quả; các sản phẩm làng nghề, sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều. Đặc biệt, huyện Mê Linh có dư địa rất lớn, có thể phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh 20-200ha/mô hình. Tiêu biểu, rau, củ, quả tại các xã: Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong; cây ăn quả tại xã: Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh; lúa cốm tại xã Tam Đồng; hoa, cây cảnh tại xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê... Thế nhưng, các địa phương hiện chưa phát huy hết lợi thế của mình.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, huyện Mê Linh đã ban hành Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Vừa qua, UBND huyện giao Phòng Kinh tế phối hợp các xã, thị trấn hoàn thành việc rà soát, xây dựng 122 sản phẩm thuộc 6 ngành hàng để phát triển thành sản phẩm OCOP... Trong đó, giai đoạn 2021-2022, huyện đặt mục tiêu xây dựng thành công 30-45 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: "Định hướng này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu".

Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản vào hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị, bếp ăn tập thể. Ngoài ra, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ vốn cho các làng nghề, hợp tác xã có sản phẩm được công nhận OCOP xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị cây trồng