Nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn

Đỗ Minh| 16/08/2021 07:58

(HNM) - Thường Tín đã và đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn. Việc đăng ký và được công nhận sản phẩm được phân hạng OCOP giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất tiếp tục ổn định đầu ra, tạo dựng thương hiệu sản phẩm...

Sản phẩm “Trà chùm ngây Hồng Vân” của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”.

Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) có 15 sản phẩm rau được phân hạng “4 sao” từ năm 2019. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh chia sẻ, hợp tác xã chuyên sản xuất rau an toàn với diện tích 1,15ha, trong đó có khoảng 8.000m2 nhà màng trồng rau với hệ thống tưới tự động; xây dựng 2 kho lạnh bảo quản, nhà sơ chế rau, củ... Năm 2019, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP và có 15 sản phẩm được phân hạng “4 sao”. Việc được phân hạng OCOP đã giúp các sản phẩm của hợp tác xã nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đầu năm 2020, sau khi được gắn nhãn OCOP, sản phẩm của hợp tác xã được nhiều siêu thị lớn đặt hàng, như: Big C, Aeon Mall, Lotte Mart...

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân) Nguyễn Văn Tứ cũng cho biết, hợp tác xã đã xây dựng vùng nguyên liệu 5ha trồng cây chùm ngây để chế biến thành sản phẩm trà chùm ngây. Hiện, mỗi ngày, hợp tác xã chế biến 1-1,5 tấn nguyên liệu tươi, xây dựng được mô hình khép kín từ việc tự trồng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm mang tên “Trà chùm ngây Hồng Vân”. Năm 2020, sản phẩm “Trà chùm ngây Hồng Vân” được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”.

Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm trà chùm ngây của hợp tác xã đã mở rộng thị trường, ngoài bán cho các tỉnh phía Bắc và thị trường Hà Nội, trà chùm ngây của hợp tác xã còn xuất bán tại một số tỉnh, thành phố như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… Hợp tác xã kỳ vọng sẽ ổn định đầu ra sản phẩm từ việc “Trà chùm ngây Hồng Vân”được phân hạng "4 sao".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, tính đến hết năm 2020, toàn huyện có 104 sản phẩm được UBND thành phố phân hạng, cấp sao OCOP từ “3 sao” đến “4 sao” với nhiều nhóm ngành hàng như: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm thô, sơ chế; đặc biệt là nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí, sản phẩm làng nghề nổi tiếng của Thường Tín. Việc tham gia và được phân loại sản phẩm OCOP đã giúp nhiều sản phẩm của huyện phát huy thế mạnh, thúc đẩy kinh tế làng nghề, kinh tế nông thôn phát triển...

Đánh giá tiềm năng, thế mạnh sản phẩm OCOP của Thường Tín, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố cho rằng, huyện Thường Tín được đánh giá là một trong những huyện có nhiều làng nghề nhất thành phố, bao gồm 126 làng có nghề và có 49 làng nghề trên địa bàn huyện được công nhận. Huyện Thường Tín luôn nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới và vượt chỉ tiêu về số lượng sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP đang được coi là nguồn lực để huyện phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững...

“Năm 2021, Thường Tín phấn đấu có thêm từ 25 đến 30 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP. Theo đó, huyện tiếp tục rà soát các nhóm ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh, hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá để thu hút các sản phẩm tham gia xếp hạng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn