Thạch Thất phát triển thương hiệu sản phẩm

Ngọc Quỳnh| 12/07/2021 07:49

(HNM) - Hiện nay, huyện Thạch Thất đã có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), qua đó, giúp các chủ thể đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Vũ Thị Quý, chủ cơ sở sản xuất chè kho tại xã Đại Đồng, sản phẩm chè kho Đại Đồng được công nhận OCOP năm 2020, được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua quảng bá, tiêu thụ giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ do thành phố Hà Nội và huyện tổ chức. Doanh thu cơ sở đạt khoảng 200 triệu đồng/năm; đồng thời, tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Rau Hương Ngải, hiện nay, mỗi năm hợp tác xã tiêu thụ 200-300 tấn rau các loại. Năm 2020, sản phẩm rau của hợp tác xã được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, nhờ đó, hợp tác xã đã mở rộng việc ký kết hợp đồng tiêu thụ rau an toàn với các siêu thị, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, đến nay huyện Thạch Thất có 122 sản phẩm OCOP (chiếm 11,6% tổng số sản phẩm OCOP của thành phố). Trong 122 sản phẩm của huyện Thạch Thất được đánh giá xếp hạng, có 104 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao của 15 hộ sản xuất kinh doanh và 2 hợp tác xã nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; sản phẩm có tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: Rau an toàn Hương Ngải, chè kho Đại Đồng, chè lam Thạch Xá, đồ gỗ Chàng Sơn...

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, chủ thể OCOP vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu cho biết, hợp tác xã có khả năng cung cấp lượng lớn rau, củ, quả, nhưng thực tế giá trị nông sản chưa cao. Hợp tác xã mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp phân phối để ổn định khâu tiêu thụ và phát huy hiệu quả của sản phẩm OCOP...

Từ nay đến hết năm 2025, huyện Thạch Thất tiếp tục nâng hạng các sản phẩm đã được đánh giá và có thêm 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tham gia Chương trình OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

“Mặt khác, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại; triển lãm; hội nghị, hội thảo kết nối giao thương, qua đó ký kết hợp đồng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP cần nghiên cứu thị trường để sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tránh cung vượt cầu dẫn tới giá giảm, đầu ra không ổn định...” - ông Nguyễn Kim Loan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất phát triển thương hiệu sản phẩm