Sóc Sơn sẵn sàng bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm

Kim Nhuệ| 07/07/2021 07:21

(HNM) - Bảo đảm an toàn các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai của huyện Sóc Sơn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đê, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư..., huyện Sóc Sơn đã sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ vị trí trọng điểm trên tuyến đê cấp III hữu Cầu trong mùa mưa lũ năm nay.

Cán bộ Hạt Quản lý đê Sóc Sơn kiểm tra vật tư dự trữ để bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm. Ảnh: Kim Văn

Huyện Sóc Sơn có 2 dòng sông lớn chảy qua, hình thành 2 tuyến đê chống lũ là hữu Cầu và tả Cà Lồ, làm nhiệm vụ bảo vệ 40.698 hộ dân, tương ứng 170.321 nhân khẩu thuộc 13 xã. Được sự quan tâm của thành phố Hà Nội, hai tuyến này được duy tu, nâng cấp đạt cao trình đê chống lũ cấp III.

Tuy nhiên, theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Sóc Sơn Nguyễn Văn Bảo, do được đắp từ nhiều năm trước bằng vật liệu không đồng chất với kỹ thuật thủ công và trên nền địa chất yếu, nên đoạn đê hữu Cầu từ K22 đến K26 (thuộc xã Tân Hưng và Bắc Phú) thường xuất hiện mạch đùn, mạch sủi khi mực nước sông vượt báo động lũ cấp II... Hơn nữa, trên đoạn đê này có 4 cống qua đê và từng xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ các năm: 2001, 2008, 2013 và 2018... "Đoạn đê hữu Cầu thuộc các xã Tân Hưng và Bắc Phú đã được cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp đánh giá là vị trí trọng điểm, cần phải lập phương án để bảo vệ trong mùa mưa lũ năm 2021”, ông Nguyễn Văn Bảo thông tin thêm.

“Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với cơ quan quản lý đê xây dựng 6 tình huống có thể gây ra sự cố về đê. Trên cơ sở đó, huyện đã lập các phương án hộ đê toàn tuyến và bảo vệ vị trí trọng điểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư và giao nhiệm vụ cụ thể từng cá nhân, đơn vị trong chỉ đạo, chỉ huy, thực hiện phương án…”, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ khẳng định.

Thực tế ở thời điểm này, cơ quan phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội đã dự trữ vật tư, vật liệu cần thiết tại các kho của Hạt Quản lý đê Sóc Sơn để sẵn sàng hỗ trợ địa phương bảo vệ vị trí trọng điểm trên tuyến hữu Cầu. Bên cạnh đó, huyện cũng chủ động dự trữ 3.000m3 đất, 100m3 đá hộc, 210m3  sỏi, 210m3 cát vàng tại điếm canh đê các xã: Tân Hưng, Bắc Phú, Trung Giã. 4 xã nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vị trí đê trọng điểm (Trung Giã, Tân Hưng, Bắc Phú, Việt Long) đã hiệp đồng với 4 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn sẵn sàng huy động 430 cán bộ, chiến sĩ cùng 114 dân quân tự vệ địa phương tham gia ứng phó khi có sự cố đê hữu Cầu...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Bắc Phú nói: “Gia đình tôi đã chuẩn bị 5 cây tre, 10kg rơm, 10 bao tải, sẵn sàng góp sức cùng lực lượng chức năng bảo vệ đoạn đê đi qua địa bàn xã. Tôi tin tưởng các cấp, các ngành sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ năm nay”.

Ở góc độ chính quyền cơ sở, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Nghi cho biết, xã đã phối hợp với Hạt Quản lý đê Sóc Sơn tập huấn cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kỹ năng phát hiện và xử lý sự cố đê điều... “Thời điểm này, các cấp, các ngành và xã đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ vị trí đê trọng điểm, sơ tán và bảo đảm đời sống của người dân...”, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Nghi cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn sẵn sàng bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm