Mô hình cánh đồng sạch lan tỏa tại nhiều địa phương

Bạch Thanh| 20/06/2021 18:47

(NSHN) - Không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất; không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông, rác thải tại mương máng nội đồng... những việc làm này đang được lan tỏa sâu rộng tại nhiều địa phương của Hà Nội. Từ đó, trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều cánh đồng sạch, cân bằng sinh thái, môi trường trong lành...

Nhờ triển khai mạnh mẽ mô hình cánh đồng sạch, nông dân trên địa bàn thành phố yên tâm sản xuất.

Cánh đồng sạch cho tôm, cua, cá sinh sôi

Mặc thời tiết oi nóng, chị Nguyễn Thị Thủy cùng nhiều nông dân tại thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) vẫn tranh thủ sáng sớm, chiều muộn để vệ sinh đồng ruộng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật cùng rác thải... Đây là một trong những bước quan trọng để địa phương hình thành những cánh đồng sạch. Cũng trong thời điểm này, tại thôn Yên Khê (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm), cánh đồng sạch trồng dưa vàng Hàn Quốc và dưa lê đang vào vụ thu hoạch. Trước khi xuống giống, nông dân nơi đây đã vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất, sử dụng 100% phân hữu cơ...

Anh Trần Văn Trưởng, một trong những hộ trồng dưa sạch cho hay, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn tưởng khó mà dễ. Chỉ cần mỗi người có ý thức một chút là có thể thành công.  

Cánh đồng trồng dưa Hàn Quốc và dưa lê sạch tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) cho giá trị cao.

Cũng về việc này, bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) cho biết, đã có giai đoạn, nông dân sử dụng nhiều hóa chất trong sản xuất khiến tôm, cua, cá... trên đồng hầu như bị tận diệt. Còn giờ đây, mọi người đều hiểu rằng, nếu cua, cá không sống được thì sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng. 

Nông dân thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) tổng vệ sinh, thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Lan tỏa mạnh tới nhiều địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, từ nhiều năm nay, Gia Lâm đã khuyến khích các hợp tác xã, hội, đoàn thể: Nông dân, phụ nữ, Đoàn thanh niên..., cùng sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp xây dựng những cánh đồng sạch, sản xuất an toàn. Qua nhiều năm bền bỉ triển khai, các vùng sản xuất rau màu tập trung của huyện đều có bể hoặc thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; quy trình sản xuất sạch cũng được in thành pano cắm ngay đầu bờ ruộng, tuyến kênh trên mỗi cánh đồng, để người dân dễ thấy và cùng nghiêm túc thực hiện...

Nông dân thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) tổng vệ sinh, thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa nhấn mạnh, xác định Hội Nông dân là nòng cốt xây dựng, lan tỏa mô hình cánh đồng sạch nhanh và hiệu quả nhất, trong các buổi sinh hoạt chi hội, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu lợi ích của việc xây dựng những cánh đồng sạch, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống của chính nông dân. Đáng mừng, chỉ trong thời gian ngắn triển khai, phát động, đã có hơn 400 cánh đồng sạch và nhiều mô hình sản xuất sạch hình thành khắp các địa phương. "Để duy trì kết quả này, chúng tôi chuẩn bị tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng, nhấn mạnh lợi ích của cánh đồng sạch với nông dân, phấn đấu ít nhất mỗi chi hội xây dựng một cánh đồng sạch", bà Hoa nói.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện Hà Nội đã hình thành hàng nghìn cánh đồng sạch tại tất cả quận, huyện, thị xã. Với những việc nhỏ ban đầu như gom bao bì, chất thải đúng nơi quy định, khơi thông kênh mương, nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của người dân ngày càng được nâng cao...

Nông dân thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) tổng vệ sinh, thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Có thể thấy, mô hình xây dựng những cánh đồng sạch đang có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ lợi ích và giá trị nhiều chiều. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương, hợp tác xã, hội, đoàn thể, lập kế hoạch, lộ trình cụ thể; chủ động tham mưu cấp ủy, làm việc với UBND các cấp, qua đó, đề xuất, kiến nghị tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí nhằm tiếp tục triển khai xây dựng và duy trì mô hình.

Mặt khác, chính quyền cùng các cơ quan, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc làm sạch đồng ruộng; thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... nhằm nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình cánh đồng sạch trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình cánh đồng sạch lan tỏa tại nhiều địa phương