“Bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai ở Thạch Thất

Kim Nhuệ| 02/06/2021 07:09

(HNM) - Bất lợi về địa hình, huyện Thạch Thất đối diện nguy cơ xảy ra sự cố đê điều gây ngập sâu, diện rộng và kéo dài trong nhiều ngày... Để giảm tổn thất về người và tài sản, huyện Thạch Thất đã xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đại diện cơ quan phòng, chống thiên tai huyện Thạch Thất kiểm tra tuyến kè sông Tích, đoạn qua xã Cần Kiệm. Ảnh: Kim Văn

Địa hình của huyện Thạch Thất được phân thành 3 vùng: Núi, bán sơn địa và đồng bằng nên thường xuyên đối diện nguy cơ xảy ra úng ngập diện rộng, sạt lở đất và lũ quét... Đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, các tuyến đê sông trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng cao trình chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, do đê xây dựng đã lâu, sử dụng vật liệu không đồng chất, ẩn chứa hang chuột, tổ mối... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi nước sông dâng cao. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, huyện Thạch Thất thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ từ rừng ngang dồn về khiến mực nước sông Tích dâng cao rất nhanh. Mặt khác, 9 xã của huyện có nguy cơ ngập lụt sâu, diện rộng trong nhiều ngày nếu xảy ra tình huống chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy và sông Tích để bảo vệ vùng trung tâm Thủ đô...

Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, huyện Thạch Thất đã thành lập 3 đại đội xung kích tập trung với 300 người; hiệp đồng 13 đơn vị quân đội trên địa bàn với 865 cán bộ, chiến sĩ... Bên cạnh đó, huyện đã ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân cung cấp 106 xe ô tô vận chuyển người và 42 xe ô tô vận chuyển tài sản của người dân đến nơi sơ tán, 24 xe ô tô vận chuyển vật tư phục vụ công tác hộ đê, cứu hộ... “Hiện nay, huyện Thạch Thất đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng công ty Thương mại Hà Nội mua mì tôm, gạo, nước sạch, nến thắp sáng, bật lửa, muối ăn... đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp trong 7 ngày cho khoảng 2/3 dân số (tương ứng 59.279 nhân khẩu) thuộc 15 xã trong vùng có nguy cơ cao xảy ra úng ngập...”, ông Hoàng Chí Lượng thông tin thêm. 

Trao đổi về công tác phòng, chống thiên tai của địa phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ cho biết, xã đang tập trung kiểm tra rà soát chất lượng công trình nhà ở của các hộ dân sinh sống hai bờ sông Tích, nơi có nguy cơ xảy ra sự cố, bị ngập; đồng thời, tổ chức cho các hộ này đăng ký sơ tán tại các nhà kiên cố, cao tầng trên địa bàn... Bên cạnh đó, xã đã lựa chọn 160 người biên chế thành 2 đại đội xung kích phòng, chống thiên tai; chuẩn bị cọc tre, bao tải, 300m3 đất đắp... sẵn sàng xử lý sự cố đê điều, sơ tán dân đến nơi ở an toàn...

Tương tự, 23 xã, thị trấn của huyện Thạch Thất hiện đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, đã chuẩn bị đủ 5.300 cọc tre, 46.000 bao tải để chứa đất, cát, sỏi, 2.050m3 đất... sẵn sàng bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Người dân địa phương cũng được quán triệt tinh thần sẵn sàng tham gia phòng, chống thiên tai. Bà Nguyễn Thị An, người dân thôn Phú Đa (xã Cần Kiệm) cho biết, được xã và huyện tuyên truyền nên gia đình đã đóng góp bao tải, 10kg rơm khô, tre để hộ đê; đồng thời, thống kê vật dụng cần mua, tích trữ đề phòng úng ngập trong khoảng 1 tháng...

Luôn chủ động về lực lượng, vật tư, phương tiện cùng sự tham gia tích cực của người dân, Thạch Thất đang hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai ở Thạch Thất