Đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ tại Ứng Hòa

Bạch Thanh| 26/05/2021 07:21

(HNM) - Với hơn 13.400ha đất canh tác, Ứng Hòa là một trong những huyện phát triển nông nghiệp trọng điểm của thành phố. Tuy nhiên, đến nay khâu kết nối tiêu thụ nông sản của huyện còn yếu khiến hơn 90% sản phẩm vẫn phải tự sản - tự tiêu. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Ứng Hòa là tập trung đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Chăm sóc rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Thanh Tùng

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung, hình thành vùng lúa năng suất, chất lượng cao, quy mô hơn 3.400ha/vụ; phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại các xã ven Đáy; mô hình trồng rau, dưa trong nhà lưới, nhà kính hơn 1.000ha đạt hiệu quả kinh tế cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, ngoài khu dân cư, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi trang trại, gia trại, thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm...

Bên cạnh những kết quả tích cực, nông nghiệp của Ứng Hòa còn một số khó khăn. Ông Dương Văn Hợi - xã viên Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Đông Lỗ, xã Đông Lỗ chia sẻ, hiện nay với quy mô hơn 20.000 vịt đẻ trứng, sản phẩm trứng vịt của gia đình đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên vẫn chỉ tiêu thụ như sản phẩm sản xuất đại trà. Tương tự, ông Đinh Xuân Thủy, hộ chăn nuôi vịt theo hướng hữu cơ tại xã Hồng Quang cho biết, chăn nuôi vịt cỏ Vân Đình của nhóm hộ trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng, mỗi tháng có thể phục vụ thị trường tới vài chục nghìn con. Tuy nhiên, việc tiêu thụ qua các kênh phân phối lớn hiện rất khó khăn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, việc tiêu thụ rau, củ, quả chất lượng cao cũng chưa tương xứng với mức đầu tư của nông dân địa phương. Ông Vũ Đức Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Công chia sẻ, với quy mô hàng trăm héc ta rau, củ an toàn được đầu tư khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao với hàng trăm tấn rau, củ quả xuất ra thị trường mỗi năm song nông sản của địa phương chủ yếu vẫn bán cho thương lái, chưa có kênh tiêu thụ chính thống...

Về khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng nhận xét, qua khảo sát các mô hình sản xuất trên địa bàn cho thấy, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm còn yếu; các biện pháp và chính sách hỗ trợ đang tập trung vào kỹ thuật; sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Một số đặc sản là thương hiệu của địa phương như vịt cỏ Vân Đình chưa phát huy được tiềm năng, có nguy cơ mai một do thiếu doanh nghiệp liên kết đầu ra...

Để giúp nông dân đẩy mạnh khâu tiêu thụ, thời gian tới, Ứng Hòa tập trung hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhà sơ chế, chế biến, xử lý đóng gói, bảo quản tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên địa bàn; chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh từng vùng; phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”; phát triển sản phẩm vịt gắn với nhãn hiệu “Vịt Vân Đình”; phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông nghiệp giá trị cao...

"Trong khâu phân phối, lưu thông, huyện hỗ trợ các xã, hợp tác xã xây dựng thí điểm cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm thế mạnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối với các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...", ông Ngô Tiến Hoàng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ tại Ứng Hòa