Hoài Đức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Bạch Thanh| 05/05/2021 07:29

(HNM) - Là huyện ven đô, Hoài Đức có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản như: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi ngọt Đông La, rau an toàn Tiền Lệ... Toàn huyện hiện có gần 1.000ha sản xuất rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, đạt giá trị từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn huyện vẫn còn một số bất cập.

Ông Nguyễn Văn Phúc, hộ trồng phật thủ lớn tại xã Yên Sở chia sẻ, hiện khoảng 30% sản lượng phật thủ tại các nhà vườn trên địa bàn mẫu mã chưa đẹp, chủ yếu bán theo cân cho các cơ sở chế biến dược liệu, tinh dầu… Tuy nhiên, việc kết nối giữa nông dân, hợp tác xã của địa phương với những cơ sở này chưa thuận lợi.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Côn Nguyễn Văn Chính, mỗi ngày, nông dân trên địa bàn xã có thể cung ứng cho thị trường 5-10 tấn bắp cải. Do chuyên canh, xã mong muốn có đơn vị đứng ra bao tiêu, hỗ trợ tiêu thụ mỗi tháng khoảng 30-50% sản lượng cố định để nông dân yên tâm sản xuất...

Còn tại xã Kim Chung, từ năm 2015, nhiều nông hộ chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả (ổi, táo...) cho thu nhập khá. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn kết Nguyễn Đắc Ý, toàn xã có 34,3ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan, táo đại, táo đào... Người dân đã chủ động học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên ổi, táo đạt chất lượng tốt, cùi dày, giòn, ngọt, được thị trường ưa chuộng. Nhưng đầu ra chủ yếu vẫn phụ thuộc thương lái hoặc người dân phải vất vả tìm nơi tiêu thụ tại các chợ dân sinh...

Về những “điểm nghẽn” trong tiêu thụ nông sản của huyện Hoài Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận xét: Chất lượng nông sản đặc sản của Hoài Đức dù nổi tiếng nhưng từng mùa vụ chưa đồng đều; tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp; sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững. Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm chưa thường xuyên dẫn đến nhiều sản phẩm tốt, có giá trị cao mà không được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng biết đến. Do đó, ngoài đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ uy tín, các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn cần sớm thành lập các nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…), cập nhật kết nối tiêu thụ theo tháng, quý, qua đó, chủ động kế hoạch sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn, giúp khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn thuận lợi hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, trước mắt, huyện hỗ trợ mỗi xã, mỗi vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ít nhất một mô hình liên kết theo chuỗi, giúp nông dân gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các xã, hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, với các xã, thị trấn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, có thêm nhiều chung cư, khu đô thị, trường học... huyện có chính sách nghiên cứu, lựa chọn xây dựng các mô hình, điểm bán nông sản sạch nhằm phục vụ cư dân theo cách thức tiện lợi nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân