Thường Tín đón huyện nông thôn mới: Tạo động lực mới từ tư duy mới

26/04/2021 08:06

(HNM) - Là đất trăm nghề, đất khoa bảng; là điểm kết nối giao thương với nhiều địa phương, những năm gần đây, Thường Tín đã có bước chuyển mạnh mẽ, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng cơ bản cho những bước phát triển trong tương lai. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ huyện với tư duy mới, Thường Tín đã, đang xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao với tiêu chí của một quận, có nền kinh tế xanh, đô thị xanh - điểm sáng phía Nam của Thủ đô.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Hà Bình Phương tại các xã: Hà Hồi, Văn Bình, Liên Phương (huyện Thường Tín) tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Phong Minh

Nền tảng tạo động lực 

Thường Tín là vùng đất khoa bảng, đất trăm nghề có nhiều di tích lịch sử và 126 làng cổ có nghề, lại có hệ thống giao thông thuận lợi, đa dạng. Trên nền tảng đặc thù ấy, Thường Tín định hướng xây dựng mới theo hướng xanh, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch và bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 

Đặc biệt chú trọng xây dựng quy hoạch, quyết liệt triển khai các đề án xây dựng nông thôn mới, nhất quán phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, Thường Tín xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ và thời gian thực hiện để người dân trực tiếp giám sát. Tiêu chí dễ làm trước, khó làm từng bước và “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng; đóng góp ngày công, tiền của để thực hiện…

Quyết liệt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020, Thường Tín đã thi công 206km đường giao thông nông thôn, 110,3km đường rãnh thoát nước theo cơ chế đặc thù, với kinh phí 264,15 tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn lực khác, tiết kiệm cho ngân sách hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, xóm, đường ngõ, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,39%, thu nhập bình quân 55,1 triệu đồng/người/năm. 

Cùng với xây dựng nông thôn mới, Thường Tín triển khai đồng bộ các chương trình về phát triển kinh tế bền vững, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, trong đó chú trọng việc xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Mạnh mẽ chuyển hướng phát triển, Thường Tín đã đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 31.438,4 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 17.736,4 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt 12.095 tỷ đồng, nông nghiệp đạt 1.607 tỷ đồng.

Ngày 30-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi nhận một chặng đường phát triển của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín, tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Phát triển xanh, bền vững

Từ những thành công mang tính nền tảng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Thường Tín tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; đồng thời triển khai các khâu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ - văn minh - hiện đại; phát triển du lịch làng nghề gắn với nền tảng văn hóa, lịch sử.

Nhận thức mới, giải pháp mới sẽ tạo ra động lực mới. Phát triển theo hướng xanh, bền vững, hướng tới xây dựng đô thị làng nghề và trở thành một quận của Thủ đô trong tương lai, Thường Tín sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập người dân. Trước mắt, huyện sẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển theo chuỗi giá trị; tập trung đầu tư cho công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với mới trường…

Cùng với đó là xây dựng đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp, người dân làng nghề mở rộng sản xuất, tạo sinh kế, giảm áp lực di dân cơ học cho các quận nội thành; đồng thời giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Đặc biệt, phát huy thế mạnh đầu mối giao thương, Thường Tín sẽ tích cực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối Đông - Tây, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương với các địa phương khác, phấn đấu trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thành phố. 

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, thúc đẩy du lịch; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… với những bước đi vững chắc, lộ trình cụ thể, giải pháp khoa học, phù hợp thực tiễn, Thường Tín sẽ xây dựng được nền kinh tế xanh trên nền tảng phát triển đô thị làng nghề theo tiêu chí quy chuẩn của các quận nội thành. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo thêm những giá trị mới cho đất khoa bảng, đất trăm nghề.

Tư duy mới tạo động lực mới và Thường Tín sẽ gặt hái được những thành công mới.

Năm 2021: Phấn đấu 4 xã, gồm: Duyên Thái, Tô Hiệu, Minh Cường, Tự Nhiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Hồng Vân đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô. Đến hết năm 2025, cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô. Năm 2025, Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện đã đề ra.

Đến năm 2025:

* Thường Tín phấn đấu tốc độ tăng bình quân trên từng lĩnh vực: Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 16,5%/năm; giá trị dịch vụ - thương mại 17%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp 2,8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58%; dịch vụ - thương mại chiếm 39%; nông nghiệp chiếm 3%.

* Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (theo phân cấp) tăng bình quân 5% trở lên/năm so với chỉ tiêu thành phố giao; phấn đấu đạt và duy trì thu ngân sách nhà nước ở mức từ 1.000 tỷ đồng trở lên/năm; chi đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm bình quân đạt 26% tổng chi ngân sách địa phương; thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/năm; phấn đấu phát triển diện tích đất đô thị hóa đạt 33,5% so với tổng diện tích đất đô thị được quy hoạch. 

* Thực hiện kêu gọi đầu tư, phấn đấu đưa các cụm công nghiệp đã được quy hoạch vào hoạt động, đạt 100%; kêu gọi đầu tư một khu công nghiệp theo quy hoạch. 

* Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia 100%; phấn đấu tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2: 32%.

* Hằng năm tạo việc làm mới cho 3.500 lao động; tỷ lệ lao động được tạo việc làm mới hằng năm qua đào tạo 80% trở lên.

* Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện dưới 1%.

* Tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch 100%; tỷ lệ rác thải, chất thải được thu gom vận chuyển trong ngày đạt 100%.

* Giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng huyện Thường Tín thành khu vực phòng thủ vững mạnh về quốc phòng, an ninh.

* Củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.

* Số lượng đảng viên được kết nạp phấn đấu hằng năm đạt 3% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm đạt 20%; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 80%, trong đó, 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

* Đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội. 

* Trên cơ sở huyện có 126 làng có nghề, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề đang bị mai một cần được bảo tồn, các xã phân tích, đánh giá, xác định, lựa chọn, phát triển các sản phẩm chủ lực để xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; có giải pháp, tập trung nguồn lực để đầu tư, tạo sự khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác; Chương trình OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề có lợi thế từng xã theo chuỗi giá trị, đây là động lực mới cho phát triển nông thôn.  

Đỗ Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín đón huyện nông thôn mới: Tạo động lực mới từ tư duy mới