Thường Tín đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Đỗ Minh| 14/04/2021 07:14

(HNM) - Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn... Thường Tín đã có sự bứt phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao giá trị cây trồng, góp phần quan trọng trong xây dựng huyện nông thôn mới.

Chăm sóc rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín). Ảnh: Khắc Nam

Vân Tảo là một trong những xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng điển hình của huyện Thường Tín. Bà Nguyễn Thị Hải ở xã Vân Tảo chia sẻ, do trồng lúa kém hiệu quả, gia đình được UBND xã Vân Tảo và ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ chuyển đổi sang trồng rau an toàn. Với hơn 1ha trồng các loại rau ăn lá, rau thời vụ, hằng năm gia đình thu hơn 300 triệu đồng.

Tương tự, với việc chuyển đổi sang trồng đào cắt cành và đào cảnh cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Văn Vánh ở thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo đã làm giàu từ mô hình này. “Gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất, trồng hơn 30 loại cây khác nhau và gần 1.000 gốc đào, thu hơn 700 triệu đồng/năm” - anh Nguyễn Văn Vánh cho hay.

Theo Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn, hiện toàn xã có hơn 200 hộ chuyển đổi sang trồng đào, cây cảnh các loại và rau an toàn trên diện tích hơn 72ha. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình chuyển đổi đã giúp người dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập. Năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt 53 triệu đồng/người.

Không riêng Vân Tảo, để nâng cao thu nhập cho nông dân, xã Tự Nhiên cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi sang cây ăn quả. Hiện toàn xã có khoảng 15ha trồng cam Canh và nhiều cây ăn quả giá trị kinh tế cao như chuối, bưởi Diễn, nhãn… Hiệu quả kinh tế đạt từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, huyện Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích 1.745ha tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn 545ha tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả hơn 372ha tại các xã: Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.159ha tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến...  Đặc biệt, đến nay, toàn huyện Thường Tín có 14 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình, chuỗi liên kết đang góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, hình thành các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, gia tăng lợi nhuận...

Để hỗ trợ nông dân, huyện Thường Tín có nhiều chính sách cụ thể. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện có chính sách hỗ trợ về giống, quỹ đất, công nghệ trong sản xuất... Nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao, huyện tiến hành rà soát, đánh giá tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 6-11-2020 của UBND huyện Thường Tín về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp.

"Huyện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với cơ chế, chính sách hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng