Tăng cường sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nguyễn Mai| 14/04/2021 07:11

(HNM) - Hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi... mang lại hiệu quả bền vững. Trên cơ sở đó, thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ tăng cường cách làm này, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân...

Những năm gần đây, hàng chục hộ dân tổ dân phố Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã quen với việc trồng rau theo quy trình VietGAP. Rau được trồng trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động, quan trắc thời tiết, giám sát quá trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường. Ông Hoàng Văn Oánh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Giáp Ngọ cho biết, nhờ áp dụng phương thức sản xuất mới, nhiều hộ dân xây dựng được nhà khang trang, cuộc sống sung túc. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám, nông dân tham gia vào hợp tác xã được sản xuất theo kế hoạch và bao tiêu sản phẩm ổn định. Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng khoảng 3 tấn rau cho các siêu thị, bếp ăn tập thể; sản phẩm còn được doanh nghiệp của Nhật Bản thu mua, phân phối cho cộng đồng người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Vùng rau 236ha, vùng bưởi 604ha, vùng lúa chất lượng cao hơn 5.200ha, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với 559 trang trại. Các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện, Chương Mỹ có hơn 60% giống lúa chất lượng cao, trong đó giống lúa Japonica tạo đột phá về chất lượng, giá trị, hướng tới xuất khẩu. Trong chăn nuôi, huyện chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, xa khu dân cư có ứng dụng công nghệ cao và có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ.

Song hành phát triển sản xuất, Chương Mỹ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 12 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, như: Chuỗi sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn; chuỗi giá trị sản xuất bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến; chuỗi giá trị sản xuất lúa hữu cơ xã Đồng Phú; chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao... Nhờ những mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện ngày một nâng cao. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của Chương Mỹ đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn 0,64%.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa khẳng định: Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chương Mỹ cũng sẽ tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho các chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi khép kín phục vụ nguyên liệu tại chỗ cho Nhà máy Chế biến thịt gia súc, gia cầm thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (đang hoạt động trên địa bàn huyện).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao