Đan Phượng nỗ lực vươn mình

Nguyễn Mai| 19/03/2021 06:24

(HNM) - Sau một thời gian phấn đấu, năm 2015, Đan Phượng trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của thành phố Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, huyện đang tiếp tục nỗ lực vươn mình để sớm hoàn thành 2 mục tiêu quan trọng: Trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Thủ đô và phát triển thành quận vào năm 2025.

Trường Trung học cơ sở Thọ An (huyện Đan Phượng) đang được đầu tư xây dựng khang trang đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tạo tiền đề để trở thành quận

Xã Thọ An (huyện Đan Phượng) vừa được thành phố Hà Nội đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với hệ thống hạ tầng khang trang, đời sống kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới. Để phát triển thành phường, xã đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao gắn với việc đầu tư cơ sở vật chất. Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Trần Quyết cho biết: "Trường trung học cơ sở của xã đã được đầu tư kinh phí xây dựng 88 tỷ đồng trên khuôn viên 14.000m2, dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2021 với đầy đủ các phòng học tiện nghi đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Khi đó, Thọ An sẽ có cả 3 cấp trường đạt chuẩn quốc gia".

Để đáp ứng chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống cho người dân, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm gia tăng giá trị cho nông sản, từ đó tăng thu nhập của nông dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông, xã có 175ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 12ha đã được ứng dụng công nghệ cao. Thực tế chứng minh, đầu tư công nghệ cao vào canh tác có thể mang lại thu nhập rất cao cho người nông dân. Ví dụ mô hình trồng nấm của Hợp tác xã Nấm Nghĩa Minh có doanh thu 5-6 tỷ đồng mỗi năm chỉ với chưa đầy 1ha sản xuất... Đây cũng là hướng phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp đô thị đang được địa phương thúc đẩy, đó là nâng hàm lượng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông sản có thị trường tiêu thụ lớn...

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là tiền đề để huyện phát triển, trở thành một quận của Thủ đô trong thời gian tới.

Nỗ lực hoàn thành tiêu chí tích hợp

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao có 19 tiêu chí và để trở thành quận cần đáp ứng 27 tiêu chí. Trong đó, có rất nhiều nội dung tương đồng, cùng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, như: Thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ đường giao thông... Do vậy, việc tích hợp đầu tư cho các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí của một quận là phù hợp.

Tính đến hết năm 2020, huyện Đan Phượng đã có 20/27 chỉ tiêu đạt tiêu chí đối với cấp quận. Những tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu - chi ngân sách, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng, mật độ đường giao thông đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị, tỷ lệ tuyến phố văn minh... Cụ thể, với tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách, huyện Đan Phượng mới đạt 30% so với tiêu chuẩn của một quận; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 86,5%, so với tiêu chuẩn lên quận là 90%; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 87,7% so với tiêu chuẩn lên quận là bằng hoặc hơn 95%...

Để thực hiện tiêu chí tích hợp - trước mắt xây dựng được nông thôn mới nâng cao tiến tới phát triển thành quận, Đan Phượng đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới; xây dựng, triển khai các đề án thành phần như: Hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải; tăng cường quản lý, khai thác ao hồ; trồng và quản lý cây xanh; hoàn thiện hệ thống chiếu sáng; xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa - khu thể thao thôn, tổ dân phố...

Về "bài toán" tăng nguồn thu ngân sách, Đan Phượng vận động các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mở chi nhánh, kê khai, nộp thuế tại huyện để tạo thêm nguồn thu. Bên cạnh những nỗ lực nội tại, địa phương đề xuất thành phố có cơ chế hỗ trợ cho ngân sách huyện như: Nâng tỷ lệ điều tiết khoản lệ phí trước bạ xe máy, ô tô, tàu thuyền, cho huyện được hưởng 100%... để tạo thêm nguồn vốn đầu tư hạ tầng... Với quyết tâm đó, Đan Phượng đang tập trung phấn đấu sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, tiến tới phát triển thành một quận của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng nỗ lực vươn mình