Hiệu quả từ mô hình vụ lúa - vụ cá

Hoàng Văn| 08/03/2021 07:32

(HNM) - 6 năm trở lại đây, trước thực trạng một số diện tích cấy lúa trên địa bàn cho hiệu quả thấp, một số hộ dân ở xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình canh tác một vụ lúa - một vụ cá, giúp nâng cao thu nhập. Cách làm này đã và đang góp phần “giải bài toán” bỏ ruộng hoang nhiều năm nay ở xã Tuyết Nghĩa.

Mô hình vụ lúa - vụ cá của gia đình ông Dương Văn Tuyên (huyện Quốc Oai) cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Tuyết Nghĩa có hơn 340ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, khoảng 60ha vùng trũng ven sông Tích thường xuyên bị úng ngập nên người dân chỉ sản xuất vụ xuân, còn vụ mùa bỏ ruộng hoang. Do đó, để tăng hiệu suất sử dụng đất, UBND xã Tuyết Nghĩa đã vận động nhân dân chuyển sang mô hình sản xuất một vụ lúa - một vụ cá. Mô hình này  mang lại lợi ích kép cho nông dân: Khi thả cá vào ruộng, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có là lúa chét, cỏ dại, sâu bọ... giúp cá tăng trưởng nhanh, chất lượng thơm, ngon; đồng thời, chất thải của cá giúp cải tạo đất, giảm công làm đất khi sản xuất vụ xuân.

Là người tiên phong triển khai mô hình này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuyết Nghĩa Dương Văn Tuyên cho biết, hằng năm đến cuối tháng 6, khi nhân dân thu hoạch xong lúa xuân, gia đình anh thuê lại ruộng để dẫn nước vào thả cá. Từ 2ha nuôi thử nghiệm trong vụ mùa 2015 cho hiệu quả kinh tế cao, đến vụ mùa 2020, anh Tuyên mở rộng diện tích lên 10ha. “Sau 6 tháng nuôi, gia đình tôi thu hoạch cá để trả ruộng cho dân sản xuất vụ xuân. Do cá được nuôi thả tự nhiên kết hợp cho ăn ngô, thóc... nên lớn nhanh, sản lượng đạt 3-3,5 tấn/ha, doanh thu 120-140 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí lãi 45-50 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp 4 lần so với trồng lúa”, anh Dương Văn Tuyên chia sẻ.

Còn anh Dương Như Luật ở thôn Liên Trì cho hay, mô hình nuôi cá trên ruộng mang lại nhiều lợi ích: Thả cá vào ruộng sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có là thóc, cỏ dại, sâu bọ... giúp cá lớn nhanh, chắc thịt, thơm ngon hơn cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp; chất thải của cá giúp cải tạo đất màu mỡ hơn.

Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi cá trên ruộng, hai năm gần đây, nhiều hộ dân xã Tuyết Nghĩa cùng tham gia, mở rộng vùng nuôi thủy sản ra xứ đồng các thôn: Cổ Hiền, Liên Trì, Muôn... với diện tích 24ha, giảm tình trạng ruộng bỏ hoang, nâng cao giá trị sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Văn Hạnh thông tin, xã đã quy hoạch vùng nuôi thủy sản và trồng cây hằng năm trên diện tích 140ha. Trong đó, khoảng 60ha nông dân chỉ sản xuất vụ xuân. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, ruộng trũng bị úng ngập, dịch bệnh... nên nông dân bỏ hoang vụ mùa. Để hạn chế tình trạng này, từ năm 2015 đến nay, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng sản xuất; đồng thời, yêu cầu các hợp tác xã nông nghiệp thống kê diện tích ruộng bỏ hoang để giao lại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển sản xuất. Thực tế, việc nuôi cá trong ruộng không chỉ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn giúp nông dân không phải bỏ ruộng hoang trong vụ mùa.

"Để sử dụng hết diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trong vụ mùa, xã Tuyết Nghĩa đã đề nghị UBND huyện Quốc Oai sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí mua con giống, liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm giúp người dân yên tâm mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản...", ông Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ mô hình vụ lúa - vụ cá