Tăng giá trị sản phẩm làng nghề

Ngọc Quỳnh| 05/03/2021 07:17

(HNM) - Thanh Oai có 51 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm làng nghề của huyện được đánh giá cao trong nước và xuất khẩu. Để tăng giá trị sản phẩm, Thanh Oai đang tập trung phát triển làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sản phẩm nón làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Hiện nay, các làng nghề của huyện Thanh Oai tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ông Trần Quốc Anh ở thôn Thế Hiền (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) chia sẻ, năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nghề làm lồng chim thủ công của xã vẫn duy trì tốt với giá bán trung bình 500-700 nghìn đồng/sản phẩm thường và hơn 10 triệu đồng/sản phẩm thủ công chạm trổ nghệ thuật. Nhờ nghề này, mỗi năm gia đình ông Trần Quốc Anh thu nhập 100-200 triệu đồng.

Bà Tạ Thu Hương - Chủ cơ sở sản xuất nón lá ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cũng cho biết, làng Chuông (xã Phương Trung) vẫn duy trì được nghề làm nón lâu đời. Để tạo sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2017, cơ sở sản xuất nón lá bán ra thị trường sản phẩm nón lụa và các loại nón phong cảnh. Mỗi năm, cơ sở xuất khẩu 5.000 chiếc nón lá tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Bên cạnh đó, cơ sở kết hợp với các công ty du lịch, đưa khách hàng tham quan, trải nghiệm công đoạn làm nón. Năm 2020, sản phẩm của cơ sở đã được thành phố công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Theo Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng, làng Chuông có khoảng 2.400 hộ làm nón, giá một chiếc nón lá trên thị trường dao động 30-40 nghìn đồng; nón lụa cách tân khoảng 150-200 nghìn đồng/chiếc; nghề làm nón truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động lúc nông nhàn.

Đánh giá về công tác phát triển làng nghề trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn thông tin: Thanh Oai có 51 làng nghề truyền thống. Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng các làng nghề vẫn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, riêng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020 ước đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2019.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hiện nay, làng nghề trên địa bàn Thanh Oai có lúc vẫn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh; công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề chưa mạnh; cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất ở làng nghề còn chật hẹp. Một số làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch nhưng hạn chế về mặt bằng phục vụ xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe…

Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế làng nghề, theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) Nguyễn Đức Toàn, huyện cần hỗ trợ các làng nghề tham gia Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và đầu tư xử lý môi trường tại các làng nghề cũng là yêu cầu để bảo đảm phát triển bền vững.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển nhấn mạnh: Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, thời gian tới, cùng với đẩy nhanh quy hoạch xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, Thanh Oai tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu cho làng nghề gắn với triển khai Chương trình OCOP. Huyện cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thanh Oai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá trị sản phẩm làng nghề